Quản trị nhân lực trong bình thường mới

LINH NGA 29/10/2021 04:00

Các chuyên gia cho rằng mô hình làm việc kết hợp trực tiếp và trực tuyến nên được nhiều doanh nghiệp cân nhắc trong bình thường mới.

Chuyên gia Đại học RMIT – Tiến sĩ Seng Kiat Kok (phía trái trong hình) và Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thư.

Chuyên gia Đại học RMIT – Tiến sĩ Seng Kiat Kok (phía trái trong hình) và Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thư.

Doanh nghiệp cần cân nhắc những gì để quản trị nguồn nhân lực và đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực hồi phục sau đợt bùng phát dịch gần đây? Mời độc giả cùng lắng nghe quan điểm của hai chuyên gia Đại học RMIT về chủ đề này.

Thay đổi trong quản trị nguồn nhân lực

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thư, giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực và ngành Khởi nghiệp tại Đại học RMIT, Việt Nam vừa chứng kiến làn sóng người lao động ồ ạt tháo chạy khỏi các thành phố lớn và không có ý định quay trở lại trong tương lai gần, khiến doanh nghiệp có thể phải đối mặt với việc thiếu hụt lao động khi hoạt động hết công suất trở lại.

Bà Thư chỉ ra rằng, “trong bối cảnh bình thường mới này, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào, và điều này có thể ảnh hưởng tới kế hoạch nhân sự cũng như giữ chân người lao động. Việc kiểm soát và quản lý bùng phát dịch COVID-19 trong nội bộ doanh nghiệp sẽ đòi hỏi cách hành xử mới. Người lao động sẽ cần thời gian để thay đổi và thích ứng, còn bộ máy lãnh đạo cũng phải có khả năng ứng phó nhanh”.

Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và bộ môn Khởi nghiệp Đại học RMIT Tiến sĩ Seng Kiat Kok còn quan sát thấy một số thay đổi khác trong quản lý lực lượng lao động. Các nhà quản lý cấp cao nhận ra tác động của đại dịch đối với các chỉ số đánh giá hiệu suất công việc (KPI) truyền thống đối trọng với các mục tiêu đảm bảo sức khỏe tâm lý và thể chất”, Tiến sĩ Kok nhận định.

Ông nói thêm “Thay vì tập trung vào đo lường số giờ làm việc của nhân viên hoặc kết quả đầu ra theo giờ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc nhân viên có đạt được mục tiêu mà bộ phận/tổ chức đặt ra hay không. Các doanh nghiệp này vẫn đạt được kết quả đặt ra song sẽ linh hoạt và nhận thức rõ hơn về bình thường mới”.

Chuyên gia RMIT nhận định rằng doanh nghiệp cũng đang cố gắng bù đắp thời gian đã mất và những khoản lỗ do phải đóng cửa nhiều tháng qua.

Tiến sĩ Kok cảnh báo: “Doanh nghiêp cần triển khai một cách cẩn thận vì chúng ta đang dần bước ra khỏi giai đoạn giãn cách, nên nếu họ hứa hẹn quá nhiều, mua dự trữ quá nhiều, hay tập trung quá nhiều vào lợi nhuận thì có thể gây hiểu lầm rằng mọi thứ đã trở lại bình thường. Ở một số quốc gia trên thế giới, có những doanh nghiệp đã thuê lượng lớn lao động thời vụ vì dự tính nhu cầu sẽ tăng cao, nhưng sau đó phải chấm dứt hợp đồng khi chính quyền ban hành lệnh phong tỏa đột ngột. Doanh nghiệp cần xem xét cẩn trọng nguy cơ tổn thất và tổn hại danh tiếng, cũng như cân nhắc kỹ lưỡng việc hoạt động hết công suất trở lại”.

gdg

Doanh nghiệp cần thông tin rõ ràng đến nhân viên về chiến lược và kế hoạch đảm bảo giảm thiểu rủi ro COVID-19 trong môi trường làm việc, cũng như cách họ kiểm soát các ca nhiễm và quy tắc ứng phó khi dịch bùng phát.

An toàn lao động là yêu cầu bắt buộc

Thạc sĩ Thư cho rằng để tạo điều kiện cho người lao động quay lại làm việc, doanh nghiệp cần thông tin rõ ràng đến nhân viên về chiến lược và kế hoạch đảm bảo giảm thiểu rủi ro COVID-19 trong môi trường làm việc, cũng như cách họ kiểm soát các ca nhiễm và quy tắc ứng phó khi dịch bùng phát.

“Chính sách an toàn lao động giờ đây cần tập trung vào giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh. Ở cấp độ doanh nghiệp, cần ban hành hướng dẫn rõ ràng về quy tắc ứng xử và phương thức đảm bảo an toàn tránh nhiễm bệnh. Chẳng hạn, đeo khẩu trang như thế nào cho đúng cách, nên rửa tay bao nhiêu lần một ngày, làm thế nào để giữ khoảng cách đúng”, cô Thư nói và cho biết thêm “nên đưa những tiêu chuẩn an toàn mới vào các giao thức liên hệ công việc, chẳng hạn như cách hành xử trong các tình huống có tiếp xúc trực tiếp với khách đến công tác, khách hàng, người giao hàng,...”

Tiến sĩ Kok bổ sung thêm rằng việc lắp đặt máy ảnh nhiệt hồng ngoại tại các điểm ra vào sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi và xếp hàng, nâng cao hiệu quả và giảm lãng phí thời gian. Việc đầu tư vào các hệ thống làm sạch hiệu quả và tự động hóa (như máy xịt dung dịch sát khuẩn tay cảm ứng, vòi rửa cảm ứng, cửa ra vào tự động) cũng giúp đảm bảo an toàn mà không ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành.

Hỗ trợ bổ sung cho người lao động

Thạc sĩ Thư gợi ý rằng để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ đưa đón nhân viên, đặc biệt với những nhân viên đã rời thành phố định cư ở các tỉnh lân cận. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể hợp tác với bên cung ứng để bán thực phẩm và hàng thiết yếu ngay tại doanh nghiệp.

Theo quan sát của Tiến sĩ Kok, hiện có khá nhiều doanh nghiệp cũng đang đầu tư vào chương trình bảo hiểm y tế cho nhân viên. “Việc cung cấp bảo hiểm y tế giúp nhân viên an tâm hơn khi quay lại làm việc. Một số doanh nghiệp thậm chí đã mở rộng quyền lợi bảo hiểm cho cả người nhà nhân viên. Với cách làm như vậy, doanh nghiệp không chỉ khích lệ nhân viên quay lại làm việc, mà còn giải quyết được quan ngại về an toàn sức khỏe cho người thân của nhân viên”, Tiến sĩ nhận xét.

Các chuyên gia cho rằng mô hình làm việc kết hợp trực tiếp và trực tuyến nên được nhiều doanh nghiệp cân nhắc trong bình thường mới. Doanh nghiệp nên cân nhắc thuê ngoài các dịch vụ không thuộc trọng tâm hoạt động của mình, như dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa và tính lương, đồng thời lên kế hoạch làm việc theo ca để giảm số lượng người có mặt ở nơi làm việc cùng một lúc.

“Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư vào các ứng dụng và phần mềm nội bộ để đảm bảo rằng tổ chức có đầy đủ dữ liệu phân tích sức chứa khu vực làm việc và các yêu cầu về giãn cách xã hội, mà vẫn tối đa hóa năng suất. Dù COVID-19 có thể vẫn hiện hữu trong trạng thái bình thường mới, việc đầu tư vào công nghệ và hệ thống có thể giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh”, Tiến sĩ Kok nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư nguồn nhân lực bền vững

    Đầu tư nguồn nhân lực bền vững

    15:56, 26/10/2021

  • Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch cộng động

    Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch cộng động

    17:16, 12/10/2021

  • Đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

    Đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

    03:16, 03/10/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Đề án đào tạo nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Đề án đào tạo nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực

    19:59, 30/08/2021

  • Ứng dụng blockchain trong quản trị nguồn nhân lực

    Ứng dụng blockchain trong quản trị nguồn nhân lực

    06:00, 26/08/2021

LINH NGA