Tăng trưởng xanh góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID 19
COVID
LTS: Tại Hội nghị triển khai "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" diễn ra ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Như các quý vị đã biết, thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Tuy nhiên, một số mô hình tăng trưởng kinh tế, mặc dù trong bối cảnh có sự phát triển vượt bậc của khoa học-công nghệ vẫn chưa dẫn đến sự tiến bộ trên diện rộng. Mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững không những gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn không tính đến đầy đủ các khía cạnh về công bằng xã hội, bình đẳng giới, hòa nhập và cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai.
Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu suy nghĩ lại về các lựa chọn để đạt được sự thịnh vượng kinh tế một cách bền vững trước mối quan tâm ngày càng tăng về việc duy trì và bảo vệ nguồn vốn tự nhiên cũng như mong muốn thúc đẩy phát triển xã hội bao trùm, gắn kết các giá trị con người và giá trị văn hóa.
Thế giới cũng đang chứng kiến những tiến bộ chưa từng có của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sự gia tăng kết nối giữa các quốc gia trên toàn cầu. Xu hướng đầu tư cho các hoạt động sản xuất thông minh nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công nghiệp, nông nghiệp thông minh…đang là hướng đi được nhiều quốc gia lựa chọn.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và phục hồi sau suy thoái kinh tế là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ khắp thế giới. Đại dịch COVID-19 cũng đang làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự chuyển dịch mạnh mẽ của kinh tế số.
Bên cạnh những thách thức, COVID-19 cũng tạo cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về những mối đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe. Điều này đòi hỏi phải có những phản ứng chính sách một cách toàn diện từ phía các chính phủ.
Trong bối cảnh đó, phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. tăng trưởng xanh thực sự đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Lựa chọn tăng trưởng xanh cũng được coi là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng bao trùm cho các quốc gia, đảm bảo các lợi ích kinh tế và sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Cũng thông qua tăng trưởng xanh, các giá trị văn hóa cốt lõi được truyền tải, chia sẻ và thấm nhuần trong chính lối sống của con người.
Về phần mình, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các yếu tố tác động từ bên ngoài. Việt Nam cũng đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để phục hồi hậu COVID-19.
Trong bối cảnh quốc tế và quốc nội có nhiều biến đổi sâu sắc như trên, phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là một lựa chọn tất yếu.
Với ý nghĩa đó, việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, vào ngày 1 tháng 10 vừa qua phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là minh chứng rõ nét nhất về việc Việt Nam đã quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh làm định hướng cho tương lai đất nước hướng tới các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Chiến lược tăng trưởng xanh được ban hành ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Anh Quốc sẽ diễn ra sau ít ngày tới, một lần nữa thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam bằng các hành động thiết thực về nội địa hóa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính hài hòa với các mục tiêu phát triển bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo công bằng xã hội.
Một trong những điểm quan trọng trong Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ là Việt Nam xác định tăng trưởng xanh có vai trò như một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, tạo điều kiện bình đẳng về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo sự gắn kết, chia sẻ, lan tỏa lối sống có trách nhiệm mà vẫn đảm bảo hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia, tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước các cú sốc bên ngoài. Chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ ban hành đưa ra cách tiếp cận tổng thể, bao trùm cả về khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường.
Chiến lược cũng đã chỉ rõ, bên cạnh việc thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp mang tính xuyên suốt, dài hạn được đề ra trong Chiến lược sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp trong dài hạn, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế. Theo đó, đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014 và đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Hơn nữa, để xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và đặc biệt là xanh hóa quá trình chuyển đổi, Chiến lược xác định hết sức cụ thể các mục tiêu theo ngành, lĩnh vực tới năm 2030 và 2050 kèm theo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tính khả thi, trong đó có các mục tiêu quan trọng về tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân, tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ kinh tế số so với GDP hay tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công…
Sau khi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được những phản hồi hết sức tích cực từ các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan cũng như từ các chuyên gia nghiên cứu. Điều đó chứng tỏ rằng, Chiến lược đã tạo ra được nhận thức chung hết sức có ý nghĩa về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Tuy nhiên, mặc dù nhận thức là rất quan trọng, hành động để triển khai nhận thức đó còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng hơn nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu thông qua việc thực hiện đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các quốc gia có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Với ý nghĩa đó, Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ngày hôm nay là hành động thiết thực đầu tiên để các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ quan liên quan, các chuyên gia thống nhất các hành động cần triển khai trong thời gian tới nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng mà Chiến lược đặt ra. Đồng thời, bước đầu trao đổi, thảo luận để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và những nhiệm vụ quan trọng liên quan.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, sự hợp tác chặt chẽ vốn có từ giai đoạn xây dựng dự thảo Chiến lược sẽ tiếp tục được duy trì, củng cố, tăng cường trong khâu tổ chức thực hiện Chiến lược. Theo đó, trên cơ sở các giải pháp, nhiệm vụ đã được giao, các hành động cụ thể, chuyên ngành sẽ nhanh chóng được các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan thống nhất để phối hợp triển khai với nhận thức sâu sắc rằng tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan đã được Chiến lược khẳng định.
(*) Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị triển khai "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" diễn ra ngày 29/10.
Có thể bạn quan tâm
Phục hồi kinh tế: 67% doanh nghiệp gỗ hoạt động trên 70% công suất
15:36, 29/10/2021
Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp
03:00, 29/10/2021
GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Mong kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế
05:30, 28/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
18:41, 01/10/2021
Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh
15:04, 19/06/2021