Nông nghiệp cần phát triển thành vùng sản xuất lớn

NGUYỄN VIỆT 08/11/2021 13:02

Phát triển nền nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị gắn liên kết vùng, hình thành vùng sản xuất lớn.

Phát biểu ý kiến về tình hình nông nghiệp tại Hội trường sáng 8/11, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho rằng, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt là những tác động của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp càng lộ rõ những hạn chế, bất cập cần quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Là vựa lương thực lớn nhất của cả nước, giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh lương thực, nhưng người dân, nông dân đồng bằng sông Cửu Long luôn phải đối mặt với một nền nông nghiệp bất ổn.

Về vấn đề đất đai, tập trung đất đai được coi là một công cụ hoặc điểm xuất phát cho phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung bên cạnh đầu tư cho khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, đất đai của chúng ta hiện nay manh mún, phân tán. Điều này gây ra nhiều hạn chế, bất cập trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo thống kê hiện nay chỉ có khoảng 26% hộ có từ 0,5 đến 2 hecta. Trong khi đó có đến 63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5%. Ngoài ra, còn có những hộ nông dân sở hữu nhiều mảnh đất nhỏ rải rác gây ra nhiều hạn chế, bất cập trong sản xuất nông nghiệp cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Chính vì vậy, theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, việc sớm sửa đổi Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho người nông dân, các tổ chức dần hình thành những đơn vị sản xuất có quy mô lớn, đồng thời tăng cường liên kết thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giá trị trong sản xuất nông nghiệp là nguyện vọng của cử tri hiện nay. 

Về vật tư đầu vào cho sản xuất, từ đầu năm 2021 đến nay giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất không ngừng tăng cao. Trong đó, giá phân bón cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu đều tăng vọt, trung bình từ 60 - 80% và dự báo còn tiếp tục tăng cao. Không chỉ phân bón mà giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng vọt.

Giá các sản phẩm nông nghiệp lại bấp bênh đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất, đây là vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực khu vực và sự phát triển của khu vực cũng như An Giang.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cũng như các bộ, ngành trung ương cần quan tâm, trước mắt có giải pháp hạ giá phân bón nói riêng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung một cách căn cơ, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn nhiều hơn vì lợi ích của bà con nông dân nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Liên quan đến đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đại biểu cho rằng đa phần sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chỉ mới đáp ứng được thị trường dễ tính. Bên cạnh việc nông dân có thói quen làm ăn theo phong trào, không ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, mặt khác, từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ đều chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang).

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang).

Việc này dẫn đến giá cả và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường khu vực cũng như trên thế giới gặp nhiều thách thức. Liên quan đến thị trường nội địa, ngành nông nghiệp cũng đã có kế hoạch hướng đến thị trường nội địa 100 triệu dân thông qua việc thành lập hiệp hội và tăng cường phối hợp với các tập đoàn bán lẻ.

Tuy nhiên, xâu chuỗi lại đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp không chỉ là bài toán không trong tình huống dịch bệnh mà ngay cả khi mùa vụ khác trong năm thì nông dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn luôn ám ảnh với điệp khúc được mùa rớt giá.

Đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chiến lược tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai xây dựng những mô hình mới, kết nối cung cầu, tăng cường liên kết vùng một cách hiệu quả hơn, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách chính quy, chuyên nghiệp hơn nữa để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, để nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển thật sự vững chắc, bên cạnh sự nỗ lực của bà con nông dân, của chính quyền địa phương trong khu vực vẫn cần có nhiều vấn đề đặt ra, cần có giải pháp tổng thể trên tất cả các khía cạnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ. 

Thứ nhất, vấn đề tích tụ ruộng đất phải chuyển từ nền sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. 

Thứ hai, nhân rộng những cách làm mới mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. 

Thứ ba, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chính sách phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới. 

Thứ tư, xem xét tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp là khâu đột phá để phát triển nền nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn liên kết vùng, thành vùng sản xuất lớn. 

Thứ năm, quan tâm nhiều hơn đến chính sách cho vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19 nhằm tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp để đảm bảo cho sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Còn bộ phận cán bộ chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch

    Còn bộ phận cán bộ chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch

    10:54, 08/11/2021

  • Tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu

    Tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu

    11:30, 08/11/2021

  • Cần quan tâm phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái

    Cần quan tâm phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái

    11:01, 08/11/2021

  • Chỉ tiêu giảm nghèo vẫn thách thức rất lớn

    Chỉ tiêu giảm nghèo vẫn thách thức rất lớn

    10:36, 08/11/2021

NGUYỄN VIỆT