Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai rất chậm
Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của ba chương trình.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, ngày 9/11.
Cơ bản thống nhất với Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban tài chính ngân sách về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; đại biểu Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) đề xuất thêm một số vấn đề:
Thứ nhất, về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cho rằng việc triển khai thực hiện còn rất chậm. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu các chương trình đã đề ra, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của đồng bào cử tri nhất là ở các khu vực miền núi, khu vực khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, sớm quyết định đầu tư hai Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại. Sớm ban hành quy định về nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của ba chương trình.
Đồng thời, ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn nhiều khó khăn, quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đại biểu cũng đề nghị sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp theo các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành làm căn cứ để phân bổ vốn, cân đối nguồn lực và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu thống nhất việc chuyển nguồn vốn 16.000 tỷ đồng từ năm 2021 sang năm 2022 để tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương cho thực hiện các mục tiêu quốc gia trong năm 2022 sẽ là 24.000 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thẩm quyền phân bổ ngân sách Trung ương cho các bộ, ngành, địa phương là của Quốc hội. Tuy nhiên, để bảo đảm kịp thời triển khai chương trình và cũng để rõ trách nhiệm, tránh hình thức, đại biểu nhất trí với đề nghị của Chính phủ là Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ phân bổ chi tiết và Chính phủ chịu trách nhiệm việc phân bổ.
Quốc hội và các cơ quan liên quan sẽ giám sát, kiểm tra. Đồng thời cần có quy định thời hạn cụ thể Chính phủ phải hoàn thành việc phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đại biểu kiến nghị nên quy định là chậm nhất trong tháng 3.2022 để kịp thời triển khai thực hiện.
Thứ hai, về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022, tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương trong là 222 nghìn tỷ đồng, trong đó hỗ trợ các mục tiêu cho ngân sách địa phương và 103,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% tổng chi phát triển của ngân sách Trung ương.
Nếu trừ đi 30,39 nghìn tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án trọng điểm liên kết vùng đường ven biển thì tỉ lệ vẫn là 32,9%. Như vậy, tỷ lệ hỗ trợ này không đúng quy định tại điểm d, khoản 3, điều 40 của Luật Ngân sách nhà nước, tức là không vượt quá 30%. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại và điều chỉnh phương án phân bổ để đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, tại danh mục dự án đầu tư dự kiến phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 kèm theo Báo cáo số 425 của Chính phủ, ngoài các dự án chưa có trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, đại biểu nhận thấy có tình trạng dự án chưa có quyết định đầu tư dự kiến mức vốn năm 2022 cao hơn kế hoạch đầu tư công trung hạn, như vậy là không đủ điều kiện để phân bổ vốn theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công.
Theo đại biểu, để tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và để các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, đề nghị Quốc hội quyết định phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo tổng số như đề xuất của Chính phủ, đồng thời giao cho Chính phủ chỉ đạo rà soát lại, chỉ ra kế hoạch vốn năm 2022 cho các dự án đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư; phải ra đúng thời hạn quy định, tức là trước ngày 31/12/2021. Số vốn còn lại sẽ cắt giảm hoặc điều chuyển các dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2022 nhưng còn thiếu vốn.
Có thể bạn quan tâm
Đặt hàng doanh nghiệp trong nước để tạo đột phá
00:01, 09/11/2021
Chuẩn bị chất vấn Bộ trưởng Y tế về phòng chống COVID-19, quản lý giá xét nghiệm COVID-19
05:00, 09/11/2021
Cần khoan sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu
01:00, 09/11/2021
Tháo điểm nghẽn thể chế để khơi thông nguồn lực cho địa phương
16:35, 08/11/2021