TP HCM từng bước khôi phục kinh tế xã hội
Ngày 7/12, HĐND TP.HCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 4. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối năm, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các tờ trình của UBND TP.HCM, cùng nhiều vấn đề quan trọng.
>> Giá bán căn hộ TP.HCM tăng trở lại
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống của người dân trong cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM.
Qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội bắt đầu khởi sắc trở lại với nhiều điểm sáng. Chính vì vậy, đây là kỳ họp rất quan trọng của HĐND TP.HCM để đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, cố gắng của Thành phố trong thời gian qua. Đồng thời, tìm ra hướng đi mới phù hợp, nhất là trong giai đoạn TP.HCM tích cực hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới và tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
“Trách nhiệm quan trọng của các đại biểu là thảo luận và thông qua các quyết sách quan trọng, hình thành chính sách để củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở; chính sách về giáo dục - đào tạo; chính sách về định mức phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu và các giải pháp nhiệm vụ trọng tâm nhằm ổn định xã hội; khuyến khích đầu tư để phục hồi, phát triển kinh tế TP.HCM sau đại dịch và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Chủ tịch HĐND TP.HCM, 5 năm qua, kinh tế Thành phố tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế Thành phố đóng góp trên 22,2%.
Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, GRDP năm 2021 trên địa bàn TP.HCM ước giảm 6,78% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%). Có thể thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM tăng 5,66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến quý 3 là thời gian Thành phố thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm đến 24,39% so với cùng kỳ. Bắt đầu từ quý 4, khi TP.HCM dần mở cửa trở lại nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước trở lại với nhịp độ bình thường, nhưng theo dự báo thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ… sẽ tiếp tục giảm.
Do đó, tại kỳ họp lần này Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, xem xét cho ý kiến để quyết nghị một số nội dung quan trọng. Trong đó, tập trung đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; công tác quyết toán ngân sách Thành phố năm 2020, ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2021 và dự toán phân bổ ngân sách năm 2022.
>>>Kinh tế TP.HCM lần đầu tăng trưởng âm 6,78% sau Đổi mới
Tại kỳ họp, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và một số bài học kinh nghiệm.
Theo ông Bình, tính đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 100%, mũi 2 đạt trên 85% và TP.HCM đang tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi. Ông Bình cho rằng, nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM đã cơ bản được kiểm soát từ cuối tháng 9. TP.HCM từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên TP.HCM triển khai mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Tuy nhiên, do tác động nghiêm trọng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, GRDP năm 2021 trên địa bàn TP.HCM ước giảm 6,78% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong điều kiện dịch bệnh, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm 2021.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022, ông Bình cho rằng, một lợi thế đồng thời là điều kiện then chốt để TP.HCM tự tin thực hiện mở cửa, từng bước khôi phục kinh tế trong năm 2022 là tỷ lệ người dân đã tiêm vắc xin cao.
“TP.HCM dự kiến chủ đề và đề ra mục tiêu tổng quát năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của kinh tế; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của Thành phố. Giải quyết việc làm đi đôi với chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường thương mại điện tử, chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xây dựng Thành phố thông minh.
Có thể bạn quan tâm
Giá bán căn hộ TP.HCM tăng trở lại
02:00, 07/12/2021
4 – 25/12: Khai mạc Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 17
10:31, 05/12/2021
Số ca F0 tăng, TP.HCM ứng phó ra sao?
15:14, 03/12/2021
TP.HCM triển khai tiêm lô vắc xin Pfizer được gia hạn thêm 3 tháng
00:00, 03/12/2021
Kinh tế TP.HCM lần đầu tăng trưởng âm 6,78% sau Đổi mới
01:20, 02/12/2021
TP.HCM: Học sinh lớp 1,9,12 sẽ học trực tiếp từ ngày 13/12
16:13, 01/12/2021