Áp lực lạm phát của năm 2022 với kinh tế
Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển.
>>Lạm phát xanh
Theo Tổng cục Thống kê, bước sang năm 2022, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.
Giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng.
Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021-2022 và ảnh hưởng của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Ngoài ra, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới CPI chung.
Áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng. Biến động của giá nhiên liệu như xăng dầu, LPG trên thị trường thế giới ở mức cao.
Xu hướng lạm phát thế giới cũng có những tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thế giới năm 2022 được dự đoán sẽ tăng thấp hơn năm 2021 và trở lại mức bình thường trong năm 2023 chủ yếu do các yếu tố tác động đến đà tăng của lạm phát đã có dấu hiệu bình ổn hoặc đảo chiều.
Phân tích rõ hơn về các yếu tố tác động lạm phát trong năm 2022, báo cáo của nhóm phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng giá cả hàng hóa gia tăng do chuỗi cung ứng bị gián đoạn tại Trung Quốc là do tình trạng khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc và chính sách môi trường mới của nước này.
>>Năm 2022: Lạm phát, tăng trưởng GDP và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế
Hiện tại, tuy chỉ số giá container vẫn đạt mức đỉnh nhưng dấu hiệu chững lại của đà tăng đã bắt đầu xuất hiện trên vận chuyển các container từ khu vực Châu Á sang Châu Âu và Bắc Mỹ. Sau một chuỗi thời gian tăng điểm liên tục, hiện tượng đà tăng đảo chiều đang là tín hiệu cho thấy xu hướng nguồn cung hồi phục trở lại khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc dần được cải thiện.
Trong báo cáo PMI tháng 12/2021 của Trung Quốc, chỉ số PMI tăng trở lại mức 50,9, tuy chỉ tăng nhẹ 1 điểm so với tháng 11 nhưng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2021. Mặc dù thời gian để các mặt hàng được giao cho các nhà sản xuất tăng trở lại trong tháng 12, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy các chuỗi cung ứng đang tiến gần hơn đến việc ổn định. Yếu tố này cùng với chi phí đầu vào trung bình tăng chậm nhất trong 19 tháng đang cho thấy tình trạng cải thiện của chuỗi sản xuất cung ứng tại Trung Quốc.
Yếu tố thứ hai có thể ảnh hưởng đến lạm phát thế giới năm nay là nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi và các quốc gia có thể sẽ thay đổi chính sách tiền tệ. Với tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng nhanh, ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19 sẽ tiếp tục suy yếu khi biến chủng Omicron cho thấy mức độ nguy hại yếu hơn các chủng khác.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng dự báo lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Chính phủ, CPI sẽ ở mức từ 2-3,7% thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%. Ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết qua nghiên cứu, dự báo CPI bình quân năm 2022 sẽ tăng là từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.
Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, Tổng cục Thống kê đề xuất, đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.
Cơ quan thống kê cũng nhấn mạnh giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Do đó, Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước giàu tài nguyên, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, ông Ngô Trí Long cho rằng cần tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép.
CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2016-2021). Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020. Lạm phát cơ bản tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng 11/2021, tăng 0,67% so với tháng 12/2020.
Có thể bạn quan tâm
Lạm phát xanh
11:05, 02/02/2022
Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ II): Nỗi lo lạm phát toàn cầu
04:19, 30/01/2022
Năm 2022: Lạm phát, tăng trưởng GDP và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế
05:30, 01/01/2022
Sức ép lạm phát năm 2022
04:00, 30/12/2021
Lạm phát sẽ bóp nghẹt kinh tế toàn cầu?
05:30, 25/12/2021