Theo chuyên gia, tình hình lạm phát trên thế giới và Việt Nam đang là vấn đề nóng, có nguy cơ bóp nghẹt sự phát triển kinh tế toàn cầu, tác động đến sự biến động của các loại tài sản đầu tư.
>>Lạm phát, Omicron, trú ẩn hay tăng tốc đầu tư thời gian tới?
Nguy cơ lạm phát tăng dài hạn
Theo các chuyên gia từ Standard Chartered, tranh cãi về lạm phát ngày càng nóng hơn. Hoạt động kinh tế chậm lại do biến thể của COVID-19 khó lường, đặc biệt là lạm phát gia tăng tại Mỹ trong quý 3 năm 2021 đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.
Có luận điểm ngày càng phổ biến rằng, thế giới có thể đang chuyển từ phục hồi chính sách tiền tệ tạm thời, sang chế độ lạm phát tăng dài hạn, đặc trưng bởi các cú sốc cung, khiến lạm phát cao hơn và làm giảm tốc độ tăng trưởng. Theo đó, chi phí đầu vào của các nhà sản xuất đã tăng lên mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Ở nhiều quốc gia, chi phí này đã chuyển tới người tiêu dùng, bằng chứng là lạm phát cao hơn.
Trong khi đó, báo cáo lợi nhuận quý 3/2021 tại Mỹ cho đến nay cho thấy số lượng đề cập kỷ lục về các vấn đề “chuỗi cung ứng”, báo trước áp lực biên lợi nhuận tiềm ẩn và ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu trong những tháng tới.
Mặc dù vậy, những đánh giá ban đầu của doanh nghiệp vẫn cho thấy triển vọng vững chắc, nhất là doanh nghiệp Mỹ vẫn tạo ra tỷ suất lợi nhuận tốt. Bất đồng được ghi nhận rõ ràng trong những nhận xét gần đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers. Bà Yellen tin rằng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thiên hướng ngắn hạn và áp lực về giá sẽ giảm dần khi các nút thắt được giải quyết. Tính chất bất thường của quá trình phục hồi đã thúc đẩy nhu cầu hàng hóa trong khi các nhà sản xuất vẫn chưa bắt kịp.
Ngược lại, ông Summers lo ngại về lạm phát tăng cao, thị trường lao động đình trệ, không tốt như những con số thể hiện. Rủi ro thị trường lao động thu hẹp hơn về cấu trúc khi nhiều người rời khỏi lực lượng lao động và COVID-19 thay đổi vĩnh viễn cách con người lựa chọn sống và làm việc. Ông cho rằng, điều này có thể sẽ ngày càng khiến mức lương và lạm phát cao hơn.
>>Đầu tư thế nào trước áp lực lạm phát?
Biến động tài sản ra sao?
Trước tình hình còn nhiều bất định, định chế tài chính này đã đưa ra đánh giá, khi xem xét biến động của các loại tài sản khác nhau trong thời kỳ lạm phát gia tăng bao gồm:
Thứ nhất, về cổ phiếu, biến động tương đối của cổ phiếu sau khi lạm phát tăng phụ thuộc một phần vào điểm xuất phát. Cổ phiếu có xu hướng tăng mạnh hơn các loại tài sản khác, khi lạm phát tăng từ mức khởi điểm thấp. Tuy nhiên, nếu xuất phát điểm của lạm phát đã cao hơn mức trung bình lịch sử, thì biến động của cổ phiếu có xu hướng bị ảnh hưởng.
“Hơn nữa, khi lạm phát đã ở mức cao hoặc rất cao, lợi nhuận cổ phiếu trong 12 tháng tiếp theo có xu hướng thấp hơn đáng kể so với lạm phát và các tài sản khác. Lạm phát cao hơn và biến động hơn có thể dấn đến bất trắc về khả năng đầu tư, phát triển và lập kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong nhóm cổ phiếu, năng lượng và các ngành phòng thủ như y tế là những ví dụ điển hình về các lĩnh vực được hưởng lợi hoặc ít nhất là tránh được thiệt hại đáng kể do lạm phát. Ngược lại, các mặt hàng thiết yếu và tiện ích tiêu dùng thường là hai trong số những lĩnh vực tăng trưởng kém nhất vì họ khó tăng giá đủ mức để giảm bớt áp lực chi phí”, Standard Chartered nhận định.
Thứ hai, trái phiếu ngược lại với cổ phiếu khi tăng tốt hơn trong 12 tháng sau những tháng lạm phát cao, trong khi tổng lợi nhuận trung bình tương ứng với lạm phát. Mức lợi suất cao hơn có thể lý giải cho biến động này vì lợi suất trái phiếu sẽ điều chỉnh tăng lên, để bù đắp cho lạm phát gia tăng. Và cho đến khi lạm phát đạt đỉnh, việc giảm đầu tư trái phiếu và giảm thời hạn danh mục đầu tư (thời gian đáo hạn bình quân) thông thường, sẽ là một chiến lược hấp dẫn.
Thứ ba, đối với các tài sản hữu hình như bất động sản tư nhân, vàng và hàng hóa nói chung, dữ liệu cơ bản hàng tháng cho thấy, sự phân bổ lợi nhuận đa dạng. Tuy nhiên, từ trước tới nay, những tài sản này đã được chứng minh là có khả năng phục hồi, nghĩa là tạo ra lợi nhuận thực dương, trong các thời kỳ lạm phát gia tăng và trung bình 12 tháng sau thời kỳ lạm phát tăng.
>>Bức tranh kinh tế 11 tháng 2021: (Kỳ 2) Lạm phát đang diễn biến ra sao?
Lạm phát sẽ dai dẳng...
Rajat Bhattacharya, Chuyên gia đầu tư cao cấp tại Standard Chartered phân tích, khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu “sống chung với COVID” sau tiêm chủng, các nhà đầu tư phải đối mặt với câu hỏi lớn đó là: Liệu phần còn lại của thế giới có bắt kịp Mỹ và Châu Âu trong 6-12 tháng tới và liệu lạm phát có tiếp tục tăng, chấm dứt cơ chế giảm phát kéo dài hàng thập kỷ?
Vị chuyên gia cũng đưa ra câu trả lời rằng, triển vọng của Trung Quốc, sau đà tăng trưởng chậm lại do chính sách điều hành trong năm nay, là chìa khóa để trả lời câu hỏi trên.
“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ổn định ở mức chỉ hơn 5% trong năm tới.Khi các nhà chức trách phục hồi tăng trưởng tín dụng và cung cấp các biện pháp kích thích tài khóa có mục tiêu, trong khi chính quyền địa phương tiếp tục chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Trong số các nền kinh tế lớn, lạm phát là một vấn đề quan trọng ở Mỹ và Anh.
Chúng tôi nhận thấy dấu hiệu lạm phát sẽ dai dẳng hơn ở các thị trường này do tắc nghẽn nguồn cung trong vận chuyển, chất bán dẫn và nhà ở, và ngày càng khó khăn do thị trường lao động thắt chặt hơn. Do đó, lạm phát ở hai thị trường này có khả năng cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của các Ngân hàng Trung ương trong 6-12 tháng tới”, chuyên gia Rajat Bhattacharya dự báo.
Tại Việt Nam, vấn đề lạm phát cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với sự phục hồi kinh tế. Mọi người e ngại lạm phát cao lên đến mức nào đó, thì sẽ triệt tiêu tác động của hỗ trợ đối với doanh nghiệp, làm nguy cơ tăng lãi suất. Cùng với đó, là yếu tố về giá cả từ bên ngoài như giá nguyên liệu, năng lượng, giá chi phí vận tải, đang có xu hướng cao và lạm phát quốc tế cũng cao.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận xét: “Chi phí đẩy có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, vì nền kinh tế của chúng ta mở, lệ thuộc đầu vào quốc tế nhiều. Cho nên, dù Chính phủ có bơm tiền, hay không bơm tiền thì giá đầu vào vẫn cứ cao, vẫn làm cho mặt bằng giá cả tăng lên và cần phải có sự phân tích cụ thể, tránh tạo ra sự hoảng loạn trên thị trường”.
Từ những vấn đề trên, nhiều chuyên gia đều đồng tình với quan điểm rằng, phải kích thích cả cung và cầu cho nền kinh tế, để đảm bảo cân bằng giữa sản xuất kinh doanh và đáp ứng cầu kéo của người dân, tránh được bài học lạm phát gia tăng một cách mạnh mẽ trong khi nguồn cung không có.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 09/12/2021
11:19, 06/12/2021
05:30, 05/12/2021
05:20, 02/12/2021