Chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến tích cực những tháng cuối năm
Đó là nhận định của ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế MBS khi trao đổi với DĐDN về xu hướng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ nay đến cuối 2018.
- Trong thời gian qua, TTCK đã sụt giảm khá mạnh sau khi lên tới mức hơn 1.200 điểm. Theo ông, đây chỉ là sự điều chỉnh, củng cố hay tín hiệu đảo chiều của thị trường?
Về mặt tổng thể xét xem là sự đảo chiều hay là một nhịp điều chỉnh, thì chúng ta phải xem lại đang khảo sát theo một xu hướng nào? Nếu nhìn vào tổng thể của xu hướng dài hạn từ năm 2012 cho tới nay, thì có thể thấy rằng thực chất thị trường vẫn đang có xu hướng đi lên, với sự đi lên của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định và vững chắc cộng thêm các yếu tố vĩ mô như thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán, tỷ giá, lạm phát... đều đang hỗ trợ cho thị trường đi lên bền vững trong dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán Việt Nam hứa hẹn tích cực hơn
11:01, 12/09/2018
Chứng khoán toàn cầu liên tục chìm trong “biển lửa” vì đâu?
15:29, 06/09/2018
VN-Index sẽ “hất tung” 1.000 điểm phiên cuối tuần?
17:04, 30/08/2018
Các nhà đầu tư thận trọng, VN-Index có dễ vượt 1.000 điểm?
16:53, 28/08/2018
VN-Index sẽ trở lại 1.000 điểm!
11:06, 17/08/2018
VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt mốc 1.000 điểm
04:36, 15/08/2018
Kỳ vọng nhịp tăng mới cho VN-Index
11:36, 12/08/2018
Mặc dù vậy, thị trường vẫn có một nhịp điều chỉnh từ trên 1.200 điểm xuống mức 880 điểm, và sau đó có tăng trở lại 1.000 điểm như hiện nay. Biến động như vậy thuần túy là một nhịp điều chỉnh, mà người ta gọi là xu hướng cấp 2. Điều chỉnh lại so với một xu hướng cấp 1, tức là điều chỉnh lại xu hướng lớn của thị trường đi lên từ năm 2012 cùng với nền kinh tế vĩ mô. Về mặt tổng thể, xu hướng lớn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại khi nền kinh tế vĩ mô tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định.
Các nhà đầu tư cũng không nên quá quan ngại trước nhịp điều chỉnh vừa rồi, dù đó là một tín hiệu điều chỉnh hay đảo chiều.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm từ trên 1.200 điểm xuống 880 điểm?
Nguyên nhân của sự sụt giảm này thuần túy là do thị trường sau một khoảng thời gian tăng trưởng tương đối dài và liên tục, cụ thể trong giai đoạn cuối năm 2016 và đầu năm 2018. Như vậy trong khoảng 1 năm rưỡi, thị trường gần như không có một nhịp điều chỉnh nào đáng kể, quá 7-8%. Do vậy các cổ phiếu đã có sự tăng trưởng vượt bậc về giá, vượt qua kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của chúng. Cụ thể, tại thời điểm thị trường đạt mốc 1.200 điểm, P/E thị trường do Bloomberg công bố ở mức khoảng 21 lần, trong khi đó các cổ phiếu bluechips có P/E ở mức tương đối cao, từ 20-30 lần, cá biệt có các cổ phiếu bluechips như của VIC... có mức P/E còn cao hơn nữa.
Từ đó cho thấy rằng các nhà đầu tư có mức kỳ vọng tương đối lạc quan với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều đó đã dẫn tới nhịp điều chỉnh và đưa các cổ phiếu về với mức giá hợp lý cho một xu hướng tăng trưởng lâu dài. Theo ước tính của bộ phận phân tích MBS thì tăng trưởng lợi nhuận của những công ty hàng đầu trên thị trường giao động ở mức 18-20% trong khoảng 1 năm tới. Do đó, mức P/E 17,5 lần như hiện tại là hợp lý so với mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp hiện nay.
- Vừa qua, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thậm chí còn bổ sung thêm gói thuế 267 tỷ USD. Theo ông, động thái này kết hợp với việc FED dự kiến tăng lãi suất vào cuộc họp ngày 25-26/9 sắp tới, sẽ tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam?
Trong suốt cả cuối tháng 3 đến thời điểm hiện nay, những thông tin liên quan đến vấn đề căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục tạo rà những quan ngại nhất định cho giới đầu tư quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Những quan ngại đó khiến cho dòng tiền cả của các nhà đầu tư trong nước lẫn các nhà đầu tư nước ngoài đều có xu hướng giảm so với thời điểm đầu năm. Chúng ta có thể nhìn thấy thông qua thông số cụ thể như khối lượng giao dịch của cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM đều đã có xu hướng giảm đáng kể so với lúc thị trường sôi động vào thời điểm quý 1/2018.
Chúng tôi cho rằng, thông tin đó không mới bởi vì thực ra sự căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc là tương đối dai dẳng. Trong tương lai rất có thể hai quốc gia sẽ có một thỏa thuận thương mại nhượng bộ lẫn nhau, dẫn đến căng thẳng thương mại giữa hai nước không còn lớn. Trong một thế giới hội nhập, cộng sinh lẫn nhau, không một quốc gia nào muốn rơi vào thế bị cô lập, tự cung tự cấp. Việc Mỹ leo thang căng thẳng bản chất là muốn Trung Quốc phải tuân theo luật chơi chung của các cường quốc. Vị thế của Trung Quốc giờ đã khác so với trước, họ phải chấp nhận mở cửa hơn nữa với các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc phải tôn trọng hơn nữa quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Do đó, những yêu cầu của Tổng thống Trump không phải không có căn cứ.
Chúng tôi theo dõi TTCK thế giới bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu, ASEAN, thì nhận thấy rằng, sau một thời gian quan ngại, giới đầu tư đã có vẻ như đánh giá khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc là thấp. Do đó, TTCK Mỹ tiếp tục đi lên đỉnh cao mới; TTCK ASEAN, đặc biệt là TTCK Việt Nam đã có sự phục hồi nhất định.
- Theo ông, từ nay đến cuối năm, TTCK sẽ diễn biến theo xu hướng nào? Liệu VN-Index có quay trở lại mức đỉnh cũ của năm nay tại 1.200 điểm?
Về mặt tổng thể, chúng tôi nhận thấy rằng, TTCK Việt Nam hiện nay cơ hội vẫn còn tồn tại. Nếu chúng ta nhìn vào các yếu tố cơ bản của thị trường như đã nói ở trên là yếu tố vĩ mô, thì có thể thấy rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất ổn định. Nếu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philipines thì kinh tế Việt Nam còn là một điểm sáng.
Với nền kinh tế vĩ mô ổn định tạo nền tảng giúp doanh nghiệp đạt kết quả tăng trưởng tốt, như dự báo ở trên là lợi nhuận tăng trưởng ước tính từ 18-20% đối với các doanh nghiệp tốt trên sàn. Do đó, chúng tôi cho rằng về thị trường dài hạn từ nay đến cuối năm vẫn có xu hướng đi lên.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên có sự lạc quan thái quá vào thị trường. Bởi vì trong 3 tháng đầu năm, thị trường đi lên rất mạnh mẽ nhờ dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài có tính ngắn hạn cao. Dòng tiền nóng trên thế giới đã tìm đến thị trường Việt Nam giúp đẩy thị trường từ mức 980 điểm lên cao nhất 1.200 điểm. Hiện nay, theo quan điểm của chúng tôi, chúng ta không nên kỳ vọng vào một dòng vốn ngoại tương tự như thời điểm đầu năm. Có thể thấy dẫn chứng là trong 3 tháng gần đây, dòng tiền nước ngoài vẫn đổ vào nhưng không đáng kể dẫn đến thị trường sau khi tăng nóng trên 1.200 điểm đã đi xuống ngay sau đó trước các thông tin bất lợi như FED tăng lãi suất khiến phản ứng dây chuyền tới các quốc gia khác cũng đẩy lãi suất lên cao, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ không thể đi lên nóng, nhanh, mạnh như đầu năm mà sẽ đi lên chậm rãi, bằng động lực đến từ tăng trưởng vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp.
Về vùng điểm, chúng tôi đã đưa ra quan điểm rằng thị trường từ nay đến cuối năm có thể đạt 1.080 điểm bằng động lực từ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Còn nếu kỳ vọng thị trường lên tới 1.200 điểm, thì có lẽ phải chờ đến giữa năm sau. Và những nhịp điều chỉnh, nếu có, từ nay đến cuối năm sẽ là những nhịp ngắn hạn và là cơ hội tốt cho nhà đầu tư cơ cấu lại cổ phiếu và đưa vào danh mục đầu tư dài hạn. Với các nhà đầu tư ngắn hạn, cần phải bám sát thị trường hơn.
Xin cảm ơn ông!