Hải Phòng: "Thủ phủ" logistics khu vực phía Bắc

Trung Thành 14/05/2019 13:30

Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hải Phòng phải là trung tâm logistics của miền Bắc.

Với lợi thế cảng biển “không đối thủ” và hội tụ đủ các loại hình giao thông, Hải Phòng được xem như trung tâm logistics khu vực phía Bắc.

Hải Phòng có lợi thế cảng biển “không đối thủ”

Hải Phòng có lợi thế cảng biển “không đối thủ”

Vận tải - “linh hồn” của logistics

Vận tải là mắt xích trọng nhất trong các hoạt động logistics. Chi phí vận tải chiếm phần chính (60% ở Việt Nam) trong chi phí logistics. Khoảng 1/3 đến 2/3 chi phí logistics của doanh nghiệp là chi phí vận tải.

Hiện nay, khoảng 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được chuyên chở bằng đường biển, vận tải đường bộ chiếm khoảng 75% hàng hóa vận tải nội địa. 

Về đường biển, Hải Phòng hiện không có đối thủ. Trước đây, cảng Cái Lân (Quảng Ninh) được quy hoạch là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, do đặc thù tự nhiên và các chính sách phát triển khác, cảng Cái Lân nhanh chóng bị các cảng khác khu vực Hải Phòng “qua mặt”. Năm 2018, tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng tại Quảng Ninh đạt khoảng 81 triệu tấn và tập trung chủ yếu ở 2 cảng: Cái Lân và Cẩm Phả. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa ở các khu vực biển Quảng Ninh khá nhưng dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh còn đơn giản, chất lượng thấp. Các cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ cảng biển chưa hoàn thiện, thiếu ưu đãi để thu hút đầu tư. Đặc biệt, lợi thế của Quảng Ninh trong việc phát triển dịch vụ cảng biển chưa được phát huy tối đa.

Hải Phòng vốn dĩ là "cái nôi" vận tải biển phía Bắc nhưng sự phát triển cảng biển “bùng nổ” khoảng hơn chục năm về đây. Nếu năm 2008, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng đạt 30 triệu tấn thì 10 năm sau, con số này đạt xấp xỉ 110 triệu tấn. Năm 2018, cảng quốc tế Lạch Huyện đi vào hoạt động đã ghi dấu mốc kỷ lục là cảng nước sâu khu vực phía Bắc khi có thể đón tàu trọng tải đến 14.000 TEUs.  

Trong gần 110 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng năm 2018 thì có khoảng 82 triệu tấn (75%) số đó được vận chuyển bằng đường bộ. Có thể nói, hệ thống giao thông đường bộ Hải Phòng là tâm điểm tỏa đi các khu vực với các tuyến quốc lộ: QL 10, QL 18 và đặc biệt tuyến QL 5 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Đường sắt Hải Phòng hiện cũng là tuyến đường sắt duy nhất cả nước kết nối đến cảng biển. Mặc dù đảm nhiệm chưa đầy 2% sản lượng hàng hóa thông qua cảng nhưng tuyến đường sắt Hải Phòng đã phát huy hiệu quả trong tuyến vận tải hành lang Đông - Tây.

Ngoài ra, đường thủy và đường hàng không cũng là loại hình giao thông khá phát triển tại Hải Phòng với sân bay quốc tế Cát Bi và mạng lưới đường sông hoạt động hiệu quả.

75% hàng hóa vận tải nội địa bằng đường bộ

75% hàng hóa vận tải nội địa bằng đường bộ

Logistics đóng góp 30% GRDP

Đây là mục tiêu phát triển hệ thống dịch vụ logistics của Hải Phòng đến năm 2030.

Theo đó, Hải Phòng phát triển mạng lưới trung tâm logistics đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực và quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Bài toán cắt giảm chi phí logistics

    Bài toán cắt giảm chi phí logistics

    03:13, 23/02/2019

  • Logistics khu vực ĐBSCL chỉ quanh quẩn “ao làng”!

    Logistics khu vực ĐBSCL chỉ quanh quẩn “ao làng”!

    02:25, 21/02/2019

  • Logistics tại sao đắt, đắt ở đâu?

    Logistics tại sao đắt, đắt ở đâu?

    11:00, 17/12/2018

  • Hà Nội muốn tiên phong về logistics

    Hà Nội muốn tiên phong về logistics

    01:54, 17/11/2018

Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics tại thành phố Hải Phòng đạt khoảng 25 - 30%/năm; tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố từ 15 - 20%;

Đến năm 2025, Hải Phòng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics 30 - 35%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20 - 25%; Các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 50 - 60% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics của thành phố; còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang khai thác đảm nhận 40 - 50%. Hải Phòng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics, đảm bảo tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ngành logistics đạt 70%.

Định hướng đến năm 2030, Hải Phòng cơ bản hoàn thiện mạng lưới trung tâm logistics, bảo đảm tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30 - 35%/năm. Tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 25 - 30%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%. Hải Phòng tiếp tục phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn theo hướng nâng cấp, mở rộng và đầu tư theo chiều sâu 6 trung tâm logistics. Tổng công suất hàng hóa thông qua các trung tâm đạt 140,35 triệu tấn/năm; trong đó, hàng container khoảng 7,86 triệu TEUs/năm, đảm nhận 60 - 65% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn.

Tuyến đường sắt Hải Phòng kết nối thẳng đến cảng biển

Tuyến đường sắt Hải Phòng kết nối thẳng đến cảng biển

Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Thành phố, Hải Phòng là cửa ngõ của khu vực cảng biển phía Bắc, nơi có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 toàn quốc. Cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu bến Lạch Huyện có tầm quan trọng bậc nhất trên cả nước, tiếp cận với tuyến hàng hải quốc tế, liên thông với các khu bến hiện tại tạo thành một hệ thống cảng liên hoàn, điều này sẽ làm gia tăng lượng hàng hóa thông quan và đẩy mạnh nhu cầu với dịch vụ logistics trong thời gian tới.

Do vậy, việc quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là tất yếu. Quy hoạch các khu logistics tập trung, đủ lớn gắn với cảng biển, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh. Phấn đấu xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành đô thị trung tâm cấp quốc gia, đô thị cảng biển tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Trung Thành