Hải Phòng: Lao động nhập cư và nỗi niềm “an cư lạc nghiệp”

Minh Hương 15/06/2019 00:00

Thực tế cho thấy, công nhân lao động tại các KCN Hải Phòng đang đứng trước hai mối lo thường trực là thiếu nhà ở và nhà trẻ.

Thời gian qua, Hải Phòng đã có chủ trương xây dựng Dự án nhà ở bán cho các đối tượng có thu nhập thấp nhưng thu nhập của người lao động còn hạn chế nên việc thực hiện vẫn nhiều bất cập.

So với lao động địa phương thì lao động nhập cư gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Hàng vạn người lao động vẫn phải thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ không đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Ở hầu hết các doanh nghiệp, KCN không có khu sinh hoạt văn hóa, thể thao dành công nhân lao động và nhà trẻ, trường mẫu giáo phục vụ việc nuôi dạy, học tập cho con của người lao động.

Công nhân mua rau ở khu chợ thuộc thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão. Ảnh Minh Hương

Công nhân mua rau ở khu chợ thuộc thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão

Trường hợp của bạn Hà Văn Thanh là một ví dụ điển hình. Từ Phú Thọ sang Hải Phòng, Thanh xin vào làm công nhân cho một công ty sản xuất phụ kiện máy in trong KCN VSIP. Với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng, hàng tháng phải dè dặt chi tiêu Thanh mới tiết kiệm được 3 triệu. Là công nhân tỉnh xa đến Hải Phòng lập nghiệp, lại không được công ty hỗ trợ chỗ ở vì vậy đôi khi Thanh không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà hay tủi thân vì không có nhiều bạn bè giúp đỡ lúc khó khăn... Thanh ngập ngừng khi chia sẻ về tương lai lâu dài bởi mức thu nhập hiện tại tương đối ổn khi sống một mình nhưng trong tương lai khi lập gia đình, có lẽ sẽ không đáp ứng được cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Người nuôi ngao mất trắng hàng tỷ đồng

    Hải Phòng: Người nuôi ngao mất trắng hàng tỷ đồng

    14:32, 14/06/2019

  • Hải Phòng: Biến thị trường nội địa thành thị trường ruột

    Hải Phòng: Biến thị trường nội địa thành thị trường ruột

    05:39, 14/06/2019

  • Hải Phòng: Chống thất thu thuế các doanh nghiệp FDI

    Hải Phòng: Chống thất thu thuế các doanh nghiệp FDI

    16:30, 13/06/2019

Đồng cảnh với Thanh, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy, công nhân công ty TNHH giày Fortune (KCN Nam Cầu Kiền) cho biết, vợ chồng chị hiện đang thuê trọ tại khu vực xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên. Với mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị phải “căn ke” lắm mới đủ chi tiêu và nuôi 2 đứa con nhỏ. Tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, tiền học của con đã chiếm gần hết tiền lương của 2 vợ chồng. Khu nhà trọ hiện tại của chị không thực sự đảm bảo an ninh. Mỗi khi đi làm hay buổi tối, mọi người thường cất hết đồ đạc vào nhà vì hay xảy ra tình trạng mất cắp vặt. Phí điện nước cũng ở mức cao, 3300 đồng/số điện, tiền nước 100 nghìn/tháng/người.

Sinh hoạt nhóm nhà trọ của lao động nhập cư

Sinh hoạt nhóm nhà trọ của lao động nhập cư

Theo thống kê của BQL Khu kinh tế Hải Phòng, hiện tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 120.000 công nhân lao động, trong đó lao động nhập cư chiếm khoảng 30% và trong số đó thì lao động nữ chiếm hơn 60%. Hầu hết đều đến từ các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, thậm chí có người từ tận Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh… xuống Hải Phòng lập nghiệp.

Theo ông Vũ Khánh Huyền - Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Tiến, huyện An Dương, hiện nay tại địa phương có KCN Nomura, Tràng Duệ bởi vậy có tới gần 5.000 lao động nhập cư, chiếm 1/3 tổng dân số của xã. Số lượng lớn lao động nhập cư đã giúp địa phương phát triển các dịch vụ nhà trọ, ăn uống, kinh doanh… Song kéo theo đó nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề về nhà ở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, nơi vui chơi giải trí… cho người lao động.

Có thể thấy rằng, sự “đổ bộ” của hàng loạt nhà máy lớn đã thu hút không ít người lao động ngoại tỉnh tới Hải Phòng nhưng đi kèm với đó cần có giải pháp, chính sách an sinh xã hội để tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra.

Minh Hương