Chuyển đổi số ngành ngân hàng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

BÍCH HẠNH 02/06/2023 00:42

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, dựa trên cơ sở phát triển của cả ba cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật trước đó, đã làm biến đổi sâu sắc toàn bộ diện mạo của đời sống XH cũng như nền kinh tế toàn cầu.

>>Việt Nam nghiên cứu tiền kỹ thuật số quốc gia: Cần một... khái niệm

Trong cuộc cách mạng 4.0, gần như tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người cùng các dây chuyền sản xuất; nghiên cứu khoa học, giáo dục, y tế, dịch vụ, giải trí,… đều được liên kết thành “mạng thông minh” mở ra kỷ nguyên mạng Internet kết nối vạn vật.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC),… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cuộc Cách mạng 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Nó đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Và tại Việt Nam, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan sẽ diễn ra toàn diện mọi mặt đời sống.

Đảng và Nhà nước đã và đang đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết là: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Cụm từ “chuyển đổi số” đã được nhắc tới 21 lần trong các văn kiện của Đại hội XIII, bao gồm Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng nhấn mạnh: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Trong ba nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số quốc gia được xác định ở nhiệm vụ thứ hai, cụ thể là: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Trên cơ sở đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Có thể nói, chuyển đổi số là cơ hội lịch sử đối với Việt Nam để bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu đến năm 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển, đạt thu nhập trung bình cao. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số. Tại sự kiện “Chuyển đổi số” ngành Ngân hàng vào tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, là yêu cầu cấp bách, bắt buộc, ngành Ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong và thực tế đang đi tiên phong trong tiến trình này”; đồng thời, Thủ tướng cũng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của ngành Ngân hàng góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được trước đó, cùng với sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ban ngành liên quan và sự chủ động tích cực, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện trên các mặt như: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh, an toàn.

Thời gian qua, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Các công nghệ phổ biến của Cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, máy học, dữ liệu lớn... đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số.

Kết quả đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số của ngành ngân hàng là rất tích cực. Năm 2023, một số ngân hàng như Vietcombank đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động (do ngân hàng mua sắm cho nhân viên) cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp (giải pháp Match on Card – MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, bước đầu mở rộng cho toàn bộ chi nhánh trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5/2023. Ngân hàng BIDV cũng đã hoàn thành 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị để triển khai giải pháp xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chip khi cung cấp dịch vụ rút tiền tại máy giao dịch tự động, xác thực khách hàng tại quầy. Ngân hàng VietinBank đã ứng dụng thành công công nghệ tự động hóa robotics process automation (RPA) vào quy trình cho vay cầm cố sổ tiết kiệm với lượng hồ sơ tự động xử lý khoảng 3.000 hồ sơ mỗi tháng, giúp tiết kiệm 65% thời gian tác nghiệp. Ngân hàng Agribank đang cung ứng hơn 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích, tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số thông qua việc liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số, nhằm đơn giản hóa quy trình, nâng cao tiện ích cho khách hàng. 

Vượt qua thách thức

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng mang đến một số thách thức. Có thể nói, tiềm năng của các công ty fintech Việt Nam là rất lớn nhưng do môi trường pháp lý chưa rõ ràng, chưa hoàn thiện nên lòng tin của người tiêu dùng và thị trường còn khiêm tốn. So với các nước trong khu vực, các sản phẩm như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, tư vấn tài chính, tư vấn quản lý tài sản, quản lý dữ liệu, công nghệ bảo hiểm, tiền điện tử… chưa có mặt chính thức tại Việt Nam.

Thách thức của chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay là thiếu nguồn nhân lực cho chuyển đổi số trong khi các tổ chức tham gia thị trường tài chính ngân hàng đòi hỏi một đội ngũ nhân sự đông đảo có kiến thức về công nghệ thông tin và tài chính ngân hàng. Chi phí đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng phần cứng và phần mềm, xây dựng lại quy trình, chi phí đào tạo và thử nghiệm để đảm bảo hoạt động liên tục không rủi ro, tích hợp giữa hoạt động đầu tư mới và hoạt động đầu tư trước đó, tất cả đều cần được tinh giản.

Việc bảo mật thông tin khách hàng trong giao dịch công nghệ số cũng là yêu cầu đang được đặt ra. Hiện vẫn còn nhiều quy định pháp luật chưa rõ ràng, quy trình thiếu thống nhất, nhu cầu định danh khách hàng trên nền tảng số chưa cụ thể, trong khi chưa có quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, và tài sản số để bắt kịp quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh những bất cập, các vấn đề pháp lý và thể chế vẫn là thách thức lớn đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Về nguyên tắc, khi ban hành một quy chế pháp lý điều chỉnh hoạt động của một tổ chức trên thị trường tài chính, các ngân hàng phải đảm bảo 3 yếu tố sau: Một là phải có sự bảo đảm pháp lý để xác định rõ ràng những gì sẽ được đưa ra thị trường và quy định rõ ràng các điều kiện theo đó nó sẽ được cung cấp. Hai là cần có sự bình đẳng giữa các thành phần tham gia thị trường. Ba là cần phải có các quy định xem xét mức độ rủi ro. Đây là những trở ngại chính cho việc ban hành các quy định pháp lý cho chuyển đổi số và hoạt động của các công ty fintech trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam.

Trong thời gian tới, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, phát huy những kết quả đạt được, Ngân hàng nhà nước (NHNN) tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, trước mắt là dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng, Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về Thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và các Thông tư quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng và tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Trong đó, ưu tiên kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) theo Kế hoạch phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an về triển khai Đề án 06 để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Ngoài ra, NHNN sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng.

Các tổ chức tài chính trong ngành ngân hàng cần quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng trực thuộc, đảng viên, người lao động về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; chỉ đạo tái cấu trúc, đổi mới mô hình hoạt động, điều hành và chuyển đổi mô hình nghiệp vụ từ truyền thống sang môi trường số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đơn vị mình. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số cũng là yếu tố cốt lõi. Các tổ chức, đơn vị cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng “văn hóa học tập” và “học tập suốt đời”, triển khai rộng rãi trong doanh nghiệp.

Các đơn vị cũng cần lựa chọn, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực có đủ năng lực, phẩm chất, tư duy đổi mới, sáng tạo, cũng như xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao để tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Một yếu tố quan trọng khác là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu về chuyển đổi số của doanh nghiệp, đơn vị.

Có thể bạn quan tâm

  • Tập đoàn VNPT, Bảo Việt và Ngân hàng Vietinbank: Hợp tác xây dựng hệ sinh thái tài chính số toàn diện

    Tập đoàn VNPT, Bảo Việt và Ngân hàng Vietinbank: Hợp tác xây dựng hệ sinh thái tài chính số toàn diện

    23:59, 11/08/2022

  • Nam A Bank tiếp đà tăng trưởng bằng chiến lược phát triển tài chính số toàn diện

    Nam A Bank tiếp đà tăng trưởng bằng chiến lược phát triển tài chính số toàn diện

    15:00, 01/08/2022

  • Giáo dục tài chính sớm cho trẻ giúp xây dựng nền móng vững chắc về tài chính

    Giáo dục tài chính sớm cho trẻ giúp xây dựng nền móng vững chắc về tài chính

    16:00, 13/05/2022

BÍCH HẠNH