Giá vàng tuần tới: Bứt phá trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu?

Ngọc Anh 24/03/2019 05:01

Nhiều chuyên gia cho rằng, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu có thể sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng, nhưng giá kim loại quý này chưa thể tăng mạnh trong ngắn hạn.

kjghjb

Giá vàng quốc tế đã dao động trong biên độ 1.302- 1.320USD/oz trong tuần này.

Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.301USD/oz, giá vàng quốc tế đã điều chỉnh nhẹ xuống 1.298USD/oz, sau đó tăng vọt lên mức 1.320USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng đã không vượt qua được mức này, điều chỉnh xuống 1.303USD/oz, rồi tăng trở lại và đóng cửa tuần ở mức 1.313USD/oz. Như vậy, giá vàng quốc tế đã tăng hơn 0,92% so với mức giá đóng cửa của tuần trước đó.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC gần như chỉ đi ngang quanh mức 36,55- 36,66 triệu đồng/lượng trong những phiên đầu tuần, nhưng sau đó tăng lên mức 36,68- 36,84 triệu đồng/lượng khi giá vàng quốc tế tiếp cận 1.320USD/oz.

Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, do giá vàng ít biến động trong tuần qua, nên nhu cầu giao dịch vàng khá trầm lắng, vì các các nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý nghe ngóng thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • FED bi quan, giá vàng sẽ tăng mạnh trong dài hạn?

    FED bi quan, giá vàng sẽ tăng mạnh trong dài hạn?

    05:01, 21/03/2019

  • Giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh vì Brexit?

    Giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh vì Brexit?

    05:01, 14/03/2019

  • Giá vàng chưa thoát xu hướng điều chỉnh ngắn hạn

    Giá vàng chưa thoát xu hướng điều chỉnh ngắn hạn

    05:01, 08/03/2019

  • Giá vàng tuần tới: Có nên “bắt dao rơi”?

    Giá vàng tuần tới: Có nên “bắt dao rơi”?

    05:01, 03/03/2019

  • Giá vàng “đủ sức” vượt 1.354USD/oz trong ngắn hạn?

    Giá vàng “đủ sức” vượt 1.354USD/oz trong ngắn hạn?

    05:01, 22/02/2019

Sở dĩ giá vàng quốc tế đã biến động khá mạnh trong tuần này là do trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 20/3 vừa qua, FED không chỉ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,5%, mà còn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống mức 2,1%, từ mức 2,3% được đưa ra vào tháng 12/2018.

Sự bi quan của FED về kinh tế Mỹ cũng có cơ sở khi tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đang có xu hướng sụt giảm dần (quý 4/2018 ở mức 2,6%, so với mức 3,4% của quý 3/2018 và 4,2% của quý 2/2018). Các số liệu kinh tế Mỹ được công bố thời gian qua cũng liên tục cho thấy tín hiệu kém khả quan, trong đó đáng chú ý chỉ số sản xuất công nghiệp PMI tháng 2 giảm xuống mức 52,5 điểm, so với mức dự báo 53,5 điểm; thâm hụt ngân sách liên bang lên tới mức 234 tỷ USD; doanh số bán lẻ, đơn đặt hàng công nghiệp cũng giảm mạnh…

Không chỉ Mỹ, mà kinh tế khu vực châu Âu, Trung Quốc… cũng cho thấy dấu hiệu tiêu cực, trong đó các chỉ số sản xuất công nghiệp của Đức, Pháp đều giảm mạnh trong tháng 2, cụ thể PMI của Đức giảm xuống chỉ còn 44,7 điểm và của Pháp giảm xuống còn 49,8 điểm. Chỉ số PMI dịch vụ của Pháp cũng giảm mạnh xuống mức 48,7 điểm. Chỉ số PMI của 2 quốc gia này giảm xuống dưới mức 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ đang suy giảm mạnh. 

Trong khi đó, diễn biến trên thị trường trái phiếu Mỹ cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu khi lần đầu tiên kể từ năm 2007, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ âm (lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 2,437%, thấp hơn so với mức lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng  2,462%). Tín hiệu này đã từng xảy ra trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007- 2008.

hjgjh

Đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lần đầu tiên âm kể từ năm 2007

Ông Adam Button, Giám đốc điều hành của ForexLive cho rằng, diễn biến trên thị trường trái phiếu Mỹ đang phát đi tín hiệu đáng báo động về kinh tế Mỹ. Điều này cho thấy dấu hiệu khủng hoảng kinh tế, tài chính chu kỳ 10 năm có thể tái diễn, và đương nhiên sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng.

Tuy nhiên, nhu cầu vàng vật chất hiện vẫn đang ở mức thấp. Theo số liệu từ Cục hải quan Thụy Sỹ, lượng vàng xuất khẩu từ quốc gia này sang Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, chỉ đạt 11,4 tấn trong tháng 2, trong khi lượng vàng xuất khẩu sang Ấn Độ- quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ đạt 15,8 tấn.

Hơn nữa, dù dấu hiệu suy giảm kinh tế Mỹ đã và đang ngày ràng lộ rõ, nhưng USD chưa thể giảm mạnh trong ngắn hạn, vì lãi suất cơ bản của Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác.

Đó cũng là lý do vì sao giá vàng chưa thể bứt phá mạnh mẽ trong tuần qua, mặc dù FED đã thừa nhận sự suy giảm của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định giá vàng sẽ tăng mạnh trong trung và dài hạn.  

Ông Afshin Nabavi, Trưởng phòng kinh doanh của Tập đoàn MKS (Thụy Sỹ) cho rằng giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong biên độ 1.300- 1.325USD/oz. Tuy nhiên, nếu vượt qua 1.325USD/oz, thì giá vàng vẫn có cơ hội tăng vọt lên mức 1.346USD/oz trong tuần tới.

Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng đã vượt qua đường vai phải của mô hình đầu- vai là một tín hiệu tích cực. Trong khi đó, các chỉ số MACD, ADX, Stochastic… cũng đang cho thấy tín hiệu phân kỳ dương. Theo đó, nếu vượt qua vùng 1.320- 1.326USD/oz, thì giá vàng hoàn toàn có thể tiến lên mức 1.332- 1.346USD/oz. Trong khi đó, mức 1.302USD đang là mức hỗ trợ đầu tiên, kế tiếp là mức hỗ trợ quan trọng 1.280USD/oz.

Các số liệu kinh tế quan trọng được công bố trong tuần tới là niềm tin tiêu dùng, cán cân thương mại, cán cân tài khoản vãng lai, GDP quý 4/2018 sửa đổi lần cuối của Mỹ. Ngoài ra, bài phát biểu của Chủ tịch ECB cũng là thông tin đáng chủ ý.

Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần tới, trong số 17 chuyên gia phân tích của Wall Street, có 12 người (71%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 4 người (24%) dự báo giá vàng sẽ đi ngang, 1 người (6%) dự báo giá vàng sẽ giảm.

Trong số 572 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 387 người (68%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 127 người (22%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 58 người (10%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang trong tuần tới.

Ngọc Anh