Giá vàng sẽ thách thức 1.600USD/oz?
Nhiều chuyên gia cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, FED cắt giảm lãi suất… sẽ đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.600USD/oz.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.526USD/oz, giá vàng quốc tế đã giảm xuống mức 1.519USD/oz, sau đó tăng vọt lên mức 1.550USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm nhẹ xuống mức 42 triệu đồng/lượng, sau đó tăng lên mức 42,9 triệu đồng/lượng. Giao dịch vàng vẫn trầm lắng, chủ yếu là giao dịch bán ra.
Sở dĩ giá vàng phục hồi trở lại lên mức 1.550USD/oz là do các số liệu kinh tế của Mỹ được công bố kém khả quan hơn dự kiến, đặc biệt là số liệu sản xuất ISM tháng 8 giảm xuống mức 49,1 điểm- mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016. Chỉ số này giảm xuống dưới mức 50 điểm, cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã bắt đầu suy giảm mạnh, được cho là chịu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
Với đà này, nhiều khả năng GDP quý 3/2019 của Mỹ có thể sẽ tiếp tục suy giảm, sau khi đạt mức 2% trong quý 2 (GDP quý 1 đạt 3,1%). Điều này buộc FED sẽ phải tiếp tục cắt giãm lãi suất cơ bản trong các cuộc họp sắp tới.
Theo khảo sát của CME FEDwatch, đến nay có tới 90,4% khả năng FED sẽ cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống mức 1,75- 2% trong cuộc họp ngày 18/9 tới, trong khi chỉ có 9,6% khả năng FED cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần từ 2- 6/9: Cẩn trọng số liệu việc làm của Mỹ
05:04, 01/09/2019
Giá vàng ngắn hạn: Tích lũy để "nổi sóng"
06:30, 29/08/2019
Giá vàng tuần từ 26- 30/8: “Dậy sóng” theo chiến tranh thương mại Mỹ- Trung
06:01, 25/08/2019
Giá vàng sẽ tiếp tục bứt phá?
14:45, 08/08/2019
Giá vàng tiếp tục tăng sau quyết định mới của Trump?
05:40, 02/08/2019
Ông Jeff Wright, Phó Giám đốc điều hành của GoldMining Inc cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngắn hạn, trong khi kinh tế Mỹ đã bắt đầu bộc lộ những suy giảm đáng báo động, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Do đó, chắc chắn FED sẽ phải nới lỏng tiền tệ hơn nữa để kích thích kinh tế Mỹ, nếu không, kinh tế nước này sẽ sớm rơi vào suy thoái như nhiều chuyên gia đã cảnh báo.
Đồng quan điểm, ông Harry Tchilinguirian, Trưởng ban nghiên cứu của Ngân hàng BNP Paribas SA cho rằng, FED sẽ cắt giảm ít nhất 4 lần lãi suất, trong đó một lần vào cuộc họp ngày 18/9 tới và một lần nữa vào cuộc họp tháng 6/2020. Không chỉ FED, mà nhiều NHTW khác cũng sẽ phải tiếp tục thực hiện cắt giảm lãi suất, hoặc tung ra các chương trình kích thích kinh tế. Điều này sớm hay muộn sẽ đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.600USD/oz trong thời gian tới.
Dù nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ và Trung Quốc đang có dấu hiệu suy giảm, nhưng nhu cầu này ở nhiều quốc gia khác vẫn tăng mạnh. Bằng chứng là báo cáo của BullionVault cho thấy, chỉ số nhà đầu tư vàng vật chất (Gold Investor Index) đã tăng mạnh từ mức 52,6 điểm trong tháng 7 lên mức 55 điểm trong tháng 8, đây là mức cao nhất trong 11 tháng qua.
Chỉ số trên là một minh chứng rõ nét hơn về việc người dân, nhà đầu tư ở nhiều quốc gia đã và đang tỏ ra rất lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nên đã tìm đến vàng vật chất để làm nơi trú ẩn an toàn. Đây là yếu tố hậu thuẫn vững chắc cho đà tăng của giá vàng trong trung và dài hạn.
Hiện thị trường vẫn đang tập chung theo dõi số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ trong tuần này, đặc biệt là số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP).
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, Stochastic, RSI, ADX… trên biểu đồ ngày vẫn tiếp tục cho thấy tín hiệu điều chỉnh, củng cố trên vùng 1.500USD/oz. Trong khi đó, các chỉ số này trên biểu đồ tuần, tháng vẫn cho thấy tín hiệu giá vàng tăng trong trung và dài hạn. Theo đó, nếu vượt qua mức 1.557USD/oz, giá vàng sẽ tiếp tục lên vùng 1.568- 1.595USD/oz, kế tiếp là vượt 1.600USD/oz. Tuy nhiên, nếu không trụ vững trên 1.500USD/oz, giá vàng có thể xuống vùng 1.470- 1.480USD/oz.