Giá vàng tuần từ 18- 22/5: Lực đẩy từ căng thẳng Mỹ- Trung
Căng thẳng Mỹ- Trung nóng trở lại đã đẩy giá vàng tăng trong tuần này và được kỳ vọng tiếp tục làm "chất xúc tác" cho giá kim loại quý này trong tuần từ 18-22/5.
Giá vàng tuần này đã quay đầu tăng, dù mức tăng không quá lớn. Sau khi mở cửa ở mức 1.699USD/oz, giá vàng đã có thời điểm tăng lên mức 1.751USD/oz, nhưng sau đó áp lực chốt lời khiến giá vàng lùi về mức 1.739USD/oz và đóng cửa tuần này ở mức 1.743USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 48,15 triệu đồng/lượng lên mức 48,72 triệu đồng/lượng, với khối lượng giao dịch ở mức tương đối thấp.
Sở dĩ giá vàng quốc tế bật tăng lên mức 1.751USD/oz do căng thẳng Mỹ- Trung đã nóng trở lại, thậm chí Tổng thống Mỹ Donlad Trump còn tuyên bố muốn cắt đứt toàn bộ quan hệ với Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19 đã gần như xóa mọi thành tựu kinh tế dưới thời Trump, có nguy cơ phá vỡ tham vọng tái cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ II của ông. Điều này được thể hiện qua tăng trưởng GDP quý 1 âm 4,8%, thậm chí có thể suy giảm sâu hơn nữa trong các quý tiếp theo; đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp vọt từ mức 3,5% lên tới mức 14,7%- mức cao nhất kể từ năm 1930…
Trong khi đó Trung Quốc bị cáo buộc là nơi phát tán virus SARS-CoV-2. Do đó, ông Trump coi việc đối đầu với Trung Quốc là trọng tâm trong chiến lược tái tranh cử của mình, cũng như bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Ngoài việc đe dọa sẽ áp thuế mới trị giá 1.000 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, ông Trump còn tổ chức thành lập Mạng lưới kinh tế thịnh vượng bằng cuộc đối thoại nhóm Bộ tứ kim cương và mời thêm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand, được gọi là Bộ tứ kim cương mở rộng. Kế hoạch này nhắm tới nhiều mục tiêu, nhưng mục tiêu cao nhất trước mắt là rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Không chỉ vậy, ông Trump còn nhắm đến các đối tác ở Trung Đông, như Jordan, Ai Cập… để thoát khỏi sự thuộc vào thiết bị y tế, dược phẩm… từ Trung Quốc. Ngoài ra, Trump còn gia hạn lệnh cấm Huawei thêm một năm...
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào USD thông qua các cơ chế hợp tác với Nga và một số quốc gia khác, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ, để tránh các đòn trừng phạt của Mỹ.
Những động thái nói trên của chính quyền Trump đang đe dọa thỏa thuận thuận thương mại Mỹ- Trung giai đoạn 1 và làm cho cuộc đối đầu Mỹ- Trung quyết liệt hơn.
Căng thẳng Mỹ- Trung bùng phát trở lại khiến các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn, như vàng… Tính đến cuối tuần này, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ ETF đã tăng lên 100 triệu ounces, mức cao nhất 12 tháng qua.
Dù nhu cầu đầu tư vàng đang làm bệ đỡ cho đà tăng của giá vàng, nhưng nhu cầu vàng vật chất vẫn tiếp tục suy giảm, kể cả các ngân hàng trung ương cũng đã giảm lượng mua vào do tác động của dịch COVID-19. Do đó, giá vàng có thể tiếp tục tăng do căng thẳng Mỹ- Trung, nhưng chưa thể tăng mạnh và áp lực chốt lời sẽ xảy ra khi giá vàng hướng tới mức 1.800USD/oz.
Ông Phillip Streible, Chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn Blue Line Futures, cũng cho rằng căng thẳng Mỹ- Trung có thể sẽ tiếp tục tác động tích cực đến giá vàng, thậm chí có thể đẩy giá vàng lên 1.800USD/oz, nhưng các nhà đầu tư cần cẩn trọng áp lực chốt lời tại vùng giá này.
Dù giá vàng ngắn hạn chưa thể tăng mạnh, nhưng vẫn có xu hướng tăng mạnh trong dài hạn vì áp lực lạm phát từ các gói kích thích kinh tế của các quốc gia, đặc biệt là chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn của FED.
Trong tuần tới, ngoài các số liệu như sản xuất công nghiệp, trợ cấp thất nghiệp… của Mỹ, Chủ tịch FED sẽ có phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện về chính sách tiền tệ. Phiên điều trần này có thể không tác động nhiều đến giá vàng vì FED gần như đã cạn dư địa nới lỏng tiền tệ, trừ khi Chủ tịch FED cho biết sẽ áp dụng chính sách lãi suất âm. Tuy nhiên, khả năng này ít xảy ra.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số Ichimoku, ADX, MACD… vẫn tiếp tục cho thấy xu hướng tăng của giá vàng ngắn hạn. Tuy nhiên, một số chỉ số như RSI, Stochastic… chạm vùng vượt mua. Điều này cho thấy trong đà tăng hiện tại khó tránh khỏi áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Theo đó, nếu giá vàng vẫn trụ vững trên 1.710USD/oz (MA50, 100 trên biểu đồ 4h), thì có thể sẽ vượt 1.752USD/oz, và sau đó tiếp tục thách thức với các mức 1.765- 1.777- 1.789- 1.818USD/oz. Ngược lại, giá vàng có nguy cơ xuống dưới 1.700USD/oz, với mức hỗ trợ quan trọng tại 1.650USD/oz (MA50).
Có thể bạn quan tâm
FED kích hoạt siêu nới lỏng định lượng, giá vàng sẽ ra sao?
06:01, 03/05/2020
Giá vàng tuần từ 27/4- 1/5: Cẩn trọng 2 yếu tố tác động từ Mỹ
06:10, 26/04/2020
Giá vàng tuần từ 20- 24/4: Chưa thoát điều chỉnh, tích lũy
05:30, 19/04/2020
Giá vàng vẫn trong xu thế tăng trung và dài hạn
05:10, 12/04/2020
Bộ tứ kim cương sẽ hiện thực hay viển vông?
11:30, 16/05/2020
"Bộ tứ kim cương" và tiềm năng Việt Nam: Bài I - Người Mỹ đã chuẩn bị từ lâu!
06:00, 13/05/2020
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 18-22/5, trong số 1.088 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 750 người (69%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 179 người (16%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 159 người (15%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.