Số liệu GDP quý I của Mỹ và cuộc họp chính sách tiền tệ của FED sẽ là 2 yếu tố quan trọng có thể tác động mạnh đến giá vàng trong tuần từ 27/4- 1/5 tới.
Dù giá vàng quốc tế trong tuần này đã quay trở lại trên mức 1.700USD/oz, nhưng vẫn có xu hướng điều chỉnh, tích lũy, chứ chưa hình thành xu hướng tăng rõ ràng. Theo đó, sau khi tăng lên mức 1.738USD/oz, thì giá vàng có thời điểm lại xuống 1.710USD/oz và đóng cửa ở mức 1.728USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, dù các cửa hàng vàng đã được mở lại vào cuối tuần này, nhưng hoạt động giao dịch vàng vẫn còn rất trầm lắng. Sau khi đi ngang ở những phiên đầu tuần do các doanh nghiệp vàng đóng cửa theo lệnh cách ly toàn xã hội, giá vàng miếng SJC đã bật tăng trở lại từ 48,2 triệu VND/lượng lên mức 48,65 triệu VND/lượng.
Áp lực chốt lời trong tuần vẫn mạnh, nhưng giá vàng vẫn giữ vững ở mức cao là do các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đã mua vào mỗi khi giá vàng giảm, đặt biệt khi giá vàng giảm xuống sát 1.700USD/oz. Sở dĩ như vậy do nhiều quốc gia vẫn tiếp tục tung ra các gói kích thích kinh tế có giá trị lớn để cứu doanh nghiệp, khiến các nhà đầu tư lo ngại áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh. Trong đó, Mỹ đã tung ra gói 484 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nâng tổng số tiền cứu trợ lên gần 3 nghìn tỷ USD, trong khi EU cũng tung ra gói cứu trợ trị giá 500 tỷ EUR (hơn 542 tỷ USD)…
Ông Carlo Alberto De Casa, Trưởng phòng phân tích chiến lược của Tập đoàn ActivTrades cho rằng, các gói cứu trợ của Mỹ và EU được tung ra cuối tuần này, kết hợp với những bất ổn kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19, đã và đang làm tăng vai trò trú ẩn của vàng. “Dù giá vàng chưa thể bứt phá mạnh trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ vượt xa 1.800USD/oz trong trung và dài hạn”, ông Carlo Alberto De Casa nhận định.
Ngoài ra, dù nhu cầu vàng vật chất ở những quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc, Ấn Độ… vẫn ở mức rất thấp, nhưng nhu cầu đầu tư vàng vẫn có xu hướng tăng cao, nên giá vàng được hỗ trợ tích cực. Tính đến thời điểm này, số lượng vàng nắm giữ của quỹ SPDR đã đạt 1.048 tấn, mức cao nhất trong gần 7 năm qua.
Trong tuần tới có 2 sự kiện quan trọng có thể sẽ tác động mạnh đến giá vàng, đó là GDP quý I/2020 của Mỹ và cuộc họp của FED. Trong đó, GDP quý I được công bố ngày 29/4, dự báo sẽ âm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức dự báo này xem ra cũng có cơ sở bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh ở Mỹ đã và đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, khiến các chỉ số kinh tế được công bố thời gian qua đều kém khả quan. Trong đó, đơn đặt hàng hóa bền lâu tháng 3 giảm tới 14,4%; doanh số bán lẻ giảm 8,7%; chỉ số PMI công nghiệp chỉ ở mức 36,9 điểm; PMI dịch vụ tồi tệ hơn chỉ đạt 27 điểm… Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến, mỗi tuần đều có tới từ 3- 6 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Nếu GDP quý I của Mỹ giảm mạnh như dự kiến nói trên, có thể sẽ đẩy giá vàng tăng mạnh hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 19/04/2020
05:10, 12/04/2020
05:10, 05/04/2020
05:15, 29/03/2020
Dù kinh tế Mỹ đã và đang suy giảm mạnh vì dịch bệnh, nhưng nhiều khả năng FED vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0- 0,25%, chứ không tiếp tục giảm lãi suất xuống mức âm trong cuộc họp ngày 30/4 tới. Bởi vì, trong thời gian qua FED đã liên tục bơm tiền vào hệ thống thông qua chương trình nới lỏng định lượng (QE). Theo đó, từ giữa tháng 3 đến 23/4, bảng cân đối tài sản của FED đã tăng từ 4,3 nghìn tỷ USD lên 6,5 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, lạm phát của Mỹ vẫn đang duy trì ở mức gần 2%. Chương trình QE, cộng với các gói kích thích kinh tế của Chính phủ liên bang gần 3 nghìn tỷ USD, có thể sẽ nhanh chóng đẩy áp lực lạm phát của Mỹ tăng cao sau mùa dịch. Hơn nữa, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, FED cũng chỉ cắt giảm lãi suất xuống mức 0-0,25%.
Trong cuộc họp này, nếu FED vẫn tỏ ra bi quan về kinh tế Mỹ và tiếp tục cảnh báo sẽ gia tăng quy mô chương trình QE, thì sẽ tác động tiêu cực đến USD và hỗ trợ cho giá vàng. Ngược lại, nếu FED giữ nguyên lãi suất và không có định hướng gì về chính sách tiền tệ, sẽ không tác động đến giá vàng.
Tuy nhiên, rủi ro vàng bị nhà đầu tư chốt lời để bù lỗ cho các thị trường khác vẫn hiện hữu, nhất là khi đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu suy giảm.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng đều nằm trên vùng mây Ichimoku trên các biểu đồ từ 1h đến hàng tháng, cho thấy tín hiệu tích cực cả trong ngắn, trung và dài hạn. Tuy nhiên, các chỉ số MACD, ADX… chưa cho thấy tín hiệu tăng giá rõ rằng trong ngắn hạn, nên giá vàng có thể sẽ chưa thể tăng mạnh, mà trong đà tăng sẽ đan xen các nhịp điều chỉnh, tích lũy. Theo đó, nếu giá vàng vẫn trụ vững trên 1.707USD/oz (MA50 trên biểu đồ 4h), thì có thể vẫn duy trì đà tăng và tiến tới các mức cao hơn tại 1.757-1.772-1.786-1.800USD/oz. Tuy nhiên, nếu không trụ vững trên mức này, giá vàng sẽ điều chỉnh về 1.677USD/oz (MA100), kế tiếp là 1.627- 1.655USD/oz.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 27/4-1/5, trong số 1.031 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 729 người (71%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 192 người (19%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 110 người (11%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.