Dù giá vàng đã tăng khá tích cực trong tuần này, nhưng đà tăng ngắn hạn chưa vững chắc khi rủi ro bán tháo vàng để bù lỗ cho các thị trường khác vẫn tiềm ẩn.
Giá vàng quốc tế tuần này đã có cú phục hồi khá mạnh từ mức 1.482USD/oz lên mức 1.644USD/oz và đóng cửa ở mức 1.631USD/oz. Như vậy, giá vàng quốc tế đã tăng gần 11%- mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm qua.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng bật tăng theo giá vàng quốc tế khi tăng từ mức 46,3 triệu VND/lượng lên mức 48 triệu VND/lượng, tăng 3,6%- mức tăng thấp hơn nhiều so với giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng đã được rút ngắn lại đáng kể, chỉ còn khoảng 2 triệu VND/lượng, so với mức trên 5 triệu VND/lượng ở cuối tuần trước.
Sở dĩ giá vàng tăng mạnh trở lại là do hàng loạt quốc gia cắt giảm mạnh lãi suất, tung ra các gói hỗ trợ tín dụng, tài khóa với tổng trị giá khoảng hơn 7.000 tỷ USD, vượt xa mức được ghi nhận ở thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Điều này đã giúp xoa dịu tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo đó, làn sóng bán tháo chứng khoán đã bị chặn đứng lại, qua đó việc bán tháo vàng để bổ sung ký quỹ cho thị trường chứng khoán cũng chấm dứt.
Tuy nhiên có một nguyên nhân khác quan trọng hơn đã góp phần đẩy giá vàng tăng mạnh trong tuần này, đó là việc các quốc gia mạnh tay nới lỏng tiền tệ, tài khóa sẽ làm gia tăng đáng kể áp lực lạm phát và nợ công (hiện nợ công thế giới đã hơn 250.000 tỷ USD, cao hơn 3 lần GDP toàn cầu), có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng nợ, nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục kéo dài, khiến các quốc gia phải tiếp tục tung ra các gói cứu trợ mới. Nhiều chuyên gia dự báo Mỹ có thể sẽ phải tiếp tục tung ra gói cứu trợ lớn hơn nhiều gói 2.200 tỷ USD vừa mới được Tổng thống Trump ký ban hành.
Ngoài ra, USD sụt giảm mạnh trở lại (chỉ số USD đã giảm mạnh từ trên 103 điểm xuống chỉ còn hơn 98 điểm) do kinh tế Mỹ đã bắt đầu bộc lộ nhiều dấu hiệu kém tích cực do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, cũng đã tác động tích cực đến giá vàng.
Đáng chú ý, dù GDP quý 1/2020 của Mỹ sửa đổi lần cuối vẫn đạt mức tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ, nhưng đơn đặt hàng hóa bền lâu tháng 3 đã giảm 0,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp PMI ở dưới mức 50 điểm trong nhiều tháng nay; đặc biệt số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức cao kỷ lục 3.283 đơn do nhiều doanh nghiệp Mỹ phải thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa khi Mỹ trở thành quốc gia có số ca nhiễm virus COVID-19 cao nhất thế giới. Với đà này, tăng trưởng GDP quý 2/2020 của Mỹ khó tránh khỏi giảm mạnh.
Có thể bạn quan tâm
16:08, 28/03/2020
05:02, 22/03/2020
05:15, 08/03/2020
05:00, 01/03/2020
05:00, 23/02/2020
Ông Colin Hamilton, Giám đốc chiến lược của Tập đoàn dịch vụ thị trường vốn BMO, cho rằng các quốc gia bơm mạnh tiền vào nền kinh tế chắc chắn sẽ thổi bùng áp lực lạm phát, qua đó sẽ đẩy giá vàng tăng mạnh trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng lên mức 1.650- 1.660USD/oz, thậm chí cao hơn nữa, nhưng các nhà đầu tư cần thận trọng áp lực chốt lời của các nhà đầu tư để bù lỗ cho các thị trường khác.
Trong tuần tới, tình hình dịch bệnh và diễn biến trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tác động đến xu hướng giá vàng. Ngoài ra, nếu những số liệu kinh tế Mỹ được công bố tuần tới yếu như dự kiến, trong đó số liệu dịch vụ PMI giảm từ mức 57 điểm xuống 48 điểm; tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 3,5% lên 3,8%; số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) giảm 81.000 việc làm…, thì USD sẽ còn lao dốc và giá vàng sẽ tiếp tục bứt phá.
Theo phân tích kỹ thuật, đà tăng mạnh của giá vàng tuần này đã giúp các chỉ số kỹ thuật, như MACD, ADX, RSI… tích cực hơn. Tuy nhiên trên biểu đồ ngày xuất hiện một số tín hiệu vượt mua. Do đó, việc điều chỉnh, tích lũy sẽ khó tránh khỏi, nhất là khi giá vàng hướng về vùng 1.700USD/oz. Theo đó, nếu giá vàng vượt qua vùng 1.670- 1.680USD/oz, thì có thể sẽ tiếp tục thách thức mức 1.704USD/oz và tăng cao hơn. Ngược lại, giá vàng có nguy cơ giảm xuống mức 1.550-1.580USD/oz, thậm chí là 1.507USD/oz. Trong khi đó, các chỉ số xu hướng trung và dài hạn cho thấy, giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng cao, không ngoại trừ khả năng lên tới 1.800USD/oz như nhiều chuyên gia nhận định.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 30/3- 3/4, trong số 14 chuyên gia phân tích của phố Wall, có 10 người (71,5%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 1 người (7%) dự báo giá vàng sẽ giảm, và 3 người (21,5%) dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong số 1.595 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 1.138 người (71%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 244 người (15%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 213 người (13%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.