“Bắt mạch” giá vàng xuân Tân Sửu
Một mùa xuân nữa lại tràn về khắp muôn nơi, trong không khí vui vẻ đón xuân, không ít người trăn trở nên mua vàng trong xuân Tân Sửu ở mức giá nào ít rủi ro?
Bước sang năm 2021, giá vàng đã có cú bứt phá mạnh qua 1.900USD/oz lên tới mức 1.950USD/oz. Tuy nhiên sau đó, giá vàng đã giảm mạnh và gần như chỉ xoay quanh mức 1.800USD/oz trong thời gian dài gần đây.
Sở dĩ giá vàng gần như chỉ đi ngang trong thời gian qua do các nhà đầu tư vẫn thận trọng về xu hướng giá vàng khi áp lực lạm phát vẫn còn thấp dù các quốc gia vẫn liên tục tung ra các gói kích thích tài khóa và chương trình nới lỏng định lượng với quy mô hàng chục nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh do Mỹ tung ra gói kích thích tài khóa mới trị giá 1.900 tỷ USD, đã làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ và diễn biến phức tạp khiến kinh tế nhiều quốc gia suy thoái mạnh, làm giảm sức cầu vàng vật chất- yếu tố hậu thuẫn chính cho đà tăng vững chắc của giá vàng.
Mặc dù giá vàng quốc tế chưa thế tăng mạnh trong ngắn hạn, nhưng nhiều chuyên gia nhận định giá vàng sẽ tăng mạnh trong trung và dài hạn. Bởi với hơn 20.000 tỷ USD đã được tung ra trên toàn cầu- gấp nhiều lần trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, để cứu nền kinh tế, áp lực lạm phát sẽ gia tăng mạnh khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại.
“Áp lực lạm phát tăng mạnh, cộng với nhu cầu vàng vật chất phục hồi trở lại khi kinh tế toàn cầu quay trở lại trạng thái bình thường, sẽ đẩy giá vàng tăng mạnh trong trung và dài hạn”, ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối, nhận định và cho biết thêm, các nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá vàng điều chỉnh xuống vùng 1.700- 1.750USD/oz.
Dù giá vàng quốc tế được dự báo sẽ tăng mạnh, nhưng sẽ luôn có mức độ chênh lệch lớn so với giá vàng trong nước do thị trường vàng Việt Nam đang hoạt động theo kiểu “một mình, một chợ”. Theo đó từ gần 10 năm nay, NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng, nên nguồn cung vàng có phần thiếu hụt so với cầu mỗi khi giá vàng biến động mạnh. Điều này buộc doanh nghiệp phải duy trì chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, cũng như giữa giá mua và giá bán để phòng ngừa rủi ro. Đây là điều bất lợi đối với người dân, nhà đầu tư khi có nhu cầu mua, bán vàng.
Còn nhớ vào ngày 5/2/2021, khi giá vàng quốc tế ở mức 1.813USD/oz, tương đương khoảng hơn 51 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng miếng SJC bán ra ở mức 57 triệu đồng/lượng theo niêm yết của Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, còn giá vàng nhẫn Rồng Vàng Thăng Long của doanh nghiệp này bán ra ở mức 55 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi khoảng hơn 6 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng nhẫn Rồng Vàng Thăng Long chỉ cao hơn giá vàng quốc tế khoảng hơn 3 triệu đồng/lượng. Tình trạng này đã diễn ra ở nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nhiều thời điểm trong năm 2020. Đặc biệt trong nhiều thời điểm, chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng trong nước có thời điểm lên tới 1,5- 2 triệu đồng mỗi lượng.
Vậy làm thế nào để tránh rủi ro và không bị bất lợi khi mua, bán vàng? Một chuyên gia tài chính cho rằng, giá vàng miếng SJC thường có chênh lệch lớn so với giá vàng quốc tế quy đổi hơn là giá vàng nhẫn của các doanh nghiệp vàng, trong khi hàm lượng vàng bằng nhau (999,9). Do đó, khi đầu tư, tích trữ vàng, các nhà đầu tư nên cân nhắc mua vàng nhẫn hơn là vàng miếng SJC để hạn chế rủi ro và ít bị thiệt về giá.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VBG) cũng cho rằng, giá vàng năm 2021 sẽ có một “cửa ăn” và một “cửa thua”. Trong đó, “cửa ăn” là việc các quốc gia liên tục bơm tiền cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ đẩy giá vàng tiếp tục tăng trong năm 2021. “Cửa thua” là triển vọng vaccine COVID-19 sẽ giúp kinh tế thế giới phục hồi nhanh trong năm 2021, qua đó làm giảm bớt vai trò trú ẩn của vàng.
“Giá vàng đang đối mặt với mức cản lớn tại 1.870USD/oz được thiết lập vào tháng 8/2020. Nếu vượt qua mức cản này, thì giá vàng sẽ hướng tới mức 1.920USD/oz, rồi sẽ tiếp tục thách thức với mức 2.063USD/oz”, ông Hải cho biết và nhấn mạnh, đối với đầu tư vàng trong nước, người dân và nhà đầu tư cũng nên mua vàng nhẫn tròn trơn 2 số 9 hoặc 3 số 9, vì loại vàng này có giá tiệm cận giá vàng quốc tế quy đổi nên ít rủi ro. Theo đó, có thể mua vàng để đầu tư, tích trữ khi giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức khoảng 50 triệu đồng/lượng.
Có thể bạn quan tâm