Kỳ vọng lạm phát gia tăng, giá vàng tuần tới tiếp tục bứt phá?

NGỌC ANH 11/04/2021 11:20

Giá vàng tuần này đã có xu hướng tăng trở lại khi các nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng áp lực lạm phát sau phát biểu của Chủ tịch FED. Vậy giá vàng tuần tới sẽ thế nào?

Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có những diễn biến rất tích cực khi tăng từ mức 1.721USD/oz lên tới mức 1.758USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 1.743USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng có những diến biến tích cực khi tăng từ mức 55,05 triệu đồng/lượng lên tới mức 55,45 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên theo đại diện của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn, thì khối lượng giao dịch vàng tăng không đáng kể.

Giá vàng miếng SJC trong tuần này

Giá vàng miếng SJC trong tuần này có thời điểm lên tới 55,45 triệu đồng/lượng.

Sở dĩ giá vàng tăng mạnh trong tuần này do một số nguyên nhân: Thứ nhất, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của người Mỹ trong tuần qua đã tăng mạnh lên mức 744.000 đơn, cao hơn nhiều so với dự báo 682.000 đơn. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại đà phục hồi của kinh tế Mỹ không bền vững.

Thứ hai, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 của Mỹ cũng tăng mạnh 1% so với tháng 2 và tăng tới 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái- mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. PPI tăng mạnh khiến các nhà đầu tư lo ngại áp lực lạm phát tại Mỹ sẽ tăng mạnh trở lại.

Thứ ba, tại Hội nghị mùa Xuân của IMF và WB được tổ chức vừa qua, Chủ tịch FED Powell cũng cảnh báo sức mua của người Mỹ đã tăng mạnh khi kinh tế mở cửa, cùng nguồn cung không ổn định, có thể sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao trong năm nay. Cảnh báo này của Chủ tịch FED đã đi ngược lại hoàn toàn so với phát biểu trước đây rằng, áp lực tăng lạm phát chỉ là tạm thời. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại FED sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch đề ra để kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch FED Powell cảnh báo áp lực lạm phát gia tăng

Chủ tịch FED Powell cảnh báo áp lực lạm phát gia tăng

Trong khi đó, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) cũng đã dự báo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE)- chỉ số đo lường lạm phát được FED ưa chuộng, sẽ tăng từ mức 1,3% vào tháng 12/2020 lên mức 2,4% vào cuối năm nay. Đáng chú ý, mức dự báo này có xu hướng điều chỉnh ngày càng tăng cao, mức dự báo PCE cách đây 3 tháng chỉ ở mức 1,8%.

Đó là số liệu lạm phát dự báo, còn áp lực lạm phát thực tế được nhiều chuyên gia dự báo có thể sẽ tăng mạnh hơn nhiều. Bởi vì đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng khi người dân có xu hướng mua nhiều hàng hóa hơn sử dụng dịch vụ. Do đó, giá hàng hóa sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với giá dịch vụ, trong khi giá hàng hóa chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính lạm phát.

Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng tiền tệ đi kèm với chính sách nới lỏng tài khóa quá mức của Mỹ có nguy cơ khiến Mỹ rơi vào bẫy nợ, vì thâm hụt tài khóa và nợ công ngày càng có xu hướng tăng cao. Điều này cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro làm giảm giá USD trong tương lai, qua đó hỗ trợ tích cực cho giá vàng trong trung và dài hạn.

Ngoài ra, nhu cầu vàng vật chất cũng có xu hướng tăng mạnh trở lại khi kinh tế thế giới phục hồi. Riêng trong tháng 3, số lượng vàng nhập khẩu cuả Ấn Độ- quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, đã tăng mạnh lên mức 160 tấn, tăng tới gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng trang sức tại Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, cũng tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái… Nhu cầu vàng vật chất phục hồi sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho đà tăng của giá vàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đà tăng giá vàng ngắn hạn vẫn chưa thực sự bền vững vì lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm dù đã giảm từ mức đỉnh cao hơn 1,7%, nhưng vẫn còn có xu hướng tiếp tục tăng do các ngân hàng Mỹ vẫn đang chịu sức ép bán ra trái phiếu để duy trì tỷ lệ dự trữ bổ sung (SLR) ở mức quy định sau khi không được gia hạn miễn trích lập tỷ lệ này đối với trái phiếu ở NHTW. Hơn nữa, việc Mỹ phải tăng lượng phát hành trái phiếu để lấy tiền triển khai gói kích thích tài khóa cũng làm tăng lợi suất trái phiếu.

Ngoài ra, dòng tiền đầu tư vẫn có xu hướng chuyển dịch sang các tài sản rủi ro, như tiền ảo, chứng khoán… cũng cản trở đà tăng mạnh của giá vàng ngắn hạn.

Giá vàng đang có xu hướng phục hồi trở lại

Giá vàng đang có xu hướng phục hồi trở lại

Mặc dù vậy, ông Sean Lusk, đồng Giám đốc của Walsh Trading, cho rằng xét trên quan điểm kỹ thuật, giá vàng đang có xu hướng phục hồi theo mô hình 2 đáy. Do đó nếu vượt qua 1.759USD/oz, thì giá vàng tuần tới vẫn có thể tiến tới vùng 1.800USD/oz.

Các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố trong tuần tới gồm CPI tháng 3 dự kiến tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh số bán lẻ tháng 3 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái…

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng tuần tới sẽ phục hồi theo mô hình hai đáy?

    Giá vàng tuần tới sẽ phục hồi theo mô hình hai đáy?

    06:00, 04/04/2021

  • Hướng đi nào cho giá vàng tuần tới?

    Hướng đi nào cho giá vàng tuần tới?

    06:00, 28/03/2021

  • Giá vàng tuần tới: Coi chừng cú sốc từ lợi suất trái phiếu Mỹ

    Giá vàng tuần tới: Coi chừng cú sốc từ lợi suất trái phiếu Mỹ

    06:00, 21/03/2021

  • Giá vàng ngắn hạn đã chạm đáy?

    Giá vàng ngắn hạn đã chạm đáy?

    05:30, 14/03/2021

  • “Bóng ma” lạm phát đang quay trở lại

    “Bóng ma” lạm phát đang quay trở lại

    04:00, 04/04/2021

  • CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Cẩn trọng với chính sách kinh tế, bong bóng tài sản và sức ép lạm phát

    CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Cẩn trọng với chính sách kinh tế, bong bóng tài sản và sức ép lạm phát

    11:30, 03/04/2021

  • Mặt bằng giá mới: Cẩn trọng “nhập khẩu lạm phát”

    Mặt bằng giá mới: Cẩn trọng “nhập khẩu lạm phát”

    11:00, 03/04/2021

NGỌC ANH