Cần thành lập Sở giao dịch vàng vật chất
Việc thành lập Sở giao dịch vàng vật chất là cần thiết, tránh tình trạng sàn giao dịch chỉ số tăng, giảm và khi đó chỉ là “vàng giấy”- có tác động không tốt đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Vừa qua Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) có đưa ra các kiến nghị về việc nới lỏng chính sách cho hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam, liên quan đến Nghị định 24/NĐ-CP và các chính sách khác. Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã buổi trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital về chủ đề này.
- Theo ông, có nên đưa ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Vì sao?
Với các kiến nghị mà VGTA đưa ra được nhìn ở góc độ của các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang bị thắt chặt bởi chính sách. Tuy nhiên, ở góc độ cân đối tổng thể, chúng ta phải ghi nhận sự thành công của Nghị định 24/NĐ-CP khi ổn định lại thị trường vàng, chính sách chống vàng hóa thành công, cũng như ổn định tỷ giá. Ba điểm đó đã làm cho cơn sóng đầu cơ vàng không còn quá gây chao đảo trong giới đầu tư suốt thời gian vừa qua.
Tại Nghị định 24, ở hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ có nêu rất rõ, đó là ngành kinh doanh có điều kiện nhưng không cần phải giấy phép mà chỉ cần giấy chứng nhận đủ điều kiện. Song, hiện tại trên thị trường, mọi người đang sử dụng vàng trang sức thay thế cho vàng miếng, nên gắn điều kiện kinh doanh vàng là hoàn toàn phù hợp và không phải quá khắt khe.
Mục đích chính là để giám sát ký hiệu, hàm lượng vàng cũng như công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm. Vì vậy phải quy định là doanh nghiệp chứ không thể là một cơ sở sản xuất tư nhân mà không ai kiểm soát được chất lượng tuổi vàng. Đồng thời, doanh nghiệp phải có đủ trang thiết bị cần thiết để làm được việc này, vì một người bình thường sẽ không thể phân biệt được vàng 9999 hay vàng 999.
- Vậy việc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp ảnh hưởng thế nào đến hoạt động sản xuất vàng trong nước, thưa ông?
Về vấn đề cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu vàng, là do nó được liên thông với thị trường vàng nguyên liệu và vàng trang sức. Chính vì vậy, khi nhu cầu tích trữ ở trong dân cao lên, vàng miếng không còn thị trường nữa do nguồn cung đã dừng, thì mọi người sẽ có khuynh hướng mua vàng trang sức, dẫn đến vấn đề nhập khẩu vàng miếng để sản xuất vàng trang sức được được đặt ra.
Nhưng cái gốc của vấn đề lại không nằm ở đó, mà nằm ở việc chúng ta thiếu một cơ chế để vàng chỉ là một sản phẩm đầu tư và tạo ra giá trị cho xã hội. Còn nếu, mọi người chỉ mua vàng và cất đó thì không nên mất quá nhiều nguồn lực cho việc này, cho nên nới lỏng chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu không thực sự cần thiết.
- Hiện nay, việc độc quyền vàng miếng SJC có tác động thế nào đến thị trường vàng? Đề xuất cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng có hợp lý, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi, việc độc quyền vàng miếng SJC là một chủ trương đúng đắn và Nhà nước không nên bỏ việc này. Vì vàng vừa là hàng hóa, vừa là tiền tệ và vàng đã từng được sử dụng một số chức năng của tiền tệ như: có thể cho vay, được gửi, được trao đổi. Điều này làm cho quản lý tài chính ở góc độ vĩ mô bị chênh lệch, cho nên việc độc quyền sản xuất vàng miếng là nên ủng hộ.
Thực tế trên thế giới, không quốc gia có vàng miếng như ở Việt Nam, mà họ sẽ có vàng tiêu chuẩn theo quy định. Riêng ở Việt Nam, khi niềm tin vào đồng nội tệ không còn, thì người dân sẽ tin vào vàng miếng. Nhìn ở góc độ vĩ mô, quan điểm độc quyền vàng miếng cần được ủng hộ.
Ngoài ra, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển các thị trường tài chính như giao dịch ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản. Sự chuyển dịch từ một loại tài sản sang nhiều loại tài sản đang được khuyến khích. Nếu toàn bộ phần đầu tư là vàng và nhập khẩu vàng về nhưng không tạo ra của cải vật chất, mà chỉ nằm lợi ích ở một số công ty kinh doanh vàng thôi thì tổng thể nên kinh tế sẽ không tạo ra nhiều giá trị thiết thực.
- Ông có quan điểm thế nào về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia?
Trước đây, tại Việt Nam đã từng có sàn vàng nhưng dưới hình thức sàn CFD – sàn giao dịch không diễn ra việc mua bán vàng vật chất, mà chỉ mua bán chênh lệch giá vàng, dẫn đến xu thế đầu cơ theo giá vàng tăng cao. Ngoài việc không có giao dịch giao nhận vàng, cơ chế sàn còn cho phép sử dụng đòn bảy, dẫn đến việc khối lượng giao dịch và các nhà đầu tư chỉ tập trung vào biến động giá mà không tạo ra giá trị thực. Còn nếu Việt Nam xây dựng được những sở giao dịch vàng vật chất như ở Luân - Đôn (Anh) hay Thượng Hải (Trung Quốc) thì có thể kiểm soát được lượng cung và cầu của vàng. Từ đó, người dân cần mua, bán vàng có thể giao dịch qua các đại lý được cấp phép, các đại lý có thể giao dịch với ngân hàng để ngân hàng mua bán và các ngân hàng có thể cân đối trên sàn giao dịch vật chất này. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể cân đối được lượng vàng để nhập khẩu hoặc xuất khẩu ra thế giới, giúp tối ưu hóa lượng vàng của Việt Nam.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh việc phải có hoạt động mua, bán, giao dịch vàng vật chất chứ không phải là giao dịch CFD giá vàng, nếu được thành lập Sở giao dịch. Khi đó, cung cầu vàng vật chất ở Việt Nam sẽ quyết định thị trường. Cụ thể, nếu cần phải nhập vàng vào, NHNN sẽ cân đối lượng ngoại tệ để quyết định nhập hay không, cũng như khi bị dư thì có thể xuất khẩu và lấy ngoại tệ về cho Việt Nam. Theo một cuộc khảo sát tại Cộng Đồng Cố vấn Tài Chính Việt Nam – VWA – Một cộng đồng uy tính của các cố vấn tài chính và nhà đầu tư thì phương án này cũng được lựa chọn. Tránh tình trạng sàn giao dịch để mọi người giao dịch biến động giá, khi đó chỉ là “vàng giấy” và sẽ tác động không tốt đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
“Nới van” điều tiết thị trường vàng (Kỳ III): Cần sớm thành lập Sở giao dịch vàng
11:30, 07/12/2020
“Nới van” điều tiết thị trường vàng (Kỳ II): Kinh doanh vàng có cần điều kiện?
11:30, 06/12/2020
“Nới van” điều tiết thị trường vàng (Kỳ I): Phá vỡ quy định lỗi thời
11:00, 05/12/2020
Kịch bản cho thị trường vàng trong năm Trâu vàng
07:00, 11/02/2021