Giá vàng tuần tới: Tranh thủ nhịp điều chỉnh để mua vào
Nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng vẫn đang duy trì xu hướng tăng dài hạn, nên các nhà đầu tư nên tranh thủ nhịp điều chỉnh giá vàng để mua vào.
Trong tuần này, giá vàng đã có diễn biến tích cực khi có thời điểm lên tới mức 1.834USD/oz trước khi giảm trở lại vào cuối tuần và đóng cửa ở mức 1.811USD/oz. Như vậy, tuần này là tuần thứ 4 liên tiếp giá vàng đã tăng trở lại sau khi giảm xuống mức 1.760USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã có tín hiệu tích cực ở những phiên đầu tuần khi tăng từ mức 57,2 triệu đồng/lượng lên mức 57,65 triệu đồng/lượng, nhưng giao dịch vẫn khá trầm lắng.
Sở dĩ giá vàng quốc tế có cú bứt phá trong tuần này lên tới mức 1.834USD/oz là do trong phiên điều trần bán niên trước Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ, Chủ tịch FED Powell cho biết lạm phát của nước này có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, nhưng sẽ giảm trở lại khi kinh tế Mỹ trở lại điều kiện bình thường.
Bình luận nói trên của Chủ tịch FED cho thấy, cơ quan này có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, đặc biệt là lãi suất siêu thấp, cho tới khi kinh tế Mỹ nói chung và thị trường lao động nói riêng phục hồi trở lại gần như trước khi đại dịch bùng phát. Theo dự kiến, FED sẽ tăng lãi suất vào năm 2023, nhưng sẽ chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE) sớm hơn.
“Lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng mạnh, trong khi FED chưa sớm siết chặt tiền tệ, sẽ làm cho vàng trở nên hấp dẫn hơn dưới con mắt của các nhà đầu tư, vì chi phí cơ hội nắm giữ vàng tiếp tục duy trì ở mức siêu thấp cho tới tận năm sau”, ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập nhận định. Ông cũng cho biết thêm, giá vàng chưa thể tăng liên tục trong ngắn hạn, mà có thể điều chỉnh, củng cố trong bối cảnh nhu cầu vàng vật chất vẫn chưa tăng mạnh trở lại, trong khi nhu cầu đầu tư chưa thực sự bền vững. Do vậy, các nhà đầu tư nên tranh thủ nhịp điều chỉnh của giá vàng trong ngắn hạn để mua vào cho mục đích đầu tư dài hạn.
Cũng theo ông Colin, đại dịch COVID-19 ngày càng sinh ra nhiều biến thể mới, trong khi vaccine được triển khai chậm. Hơn nữa, vaccine cũng chỉ có tỷ lệ phòng ngừa ở mức độ nhất định đối với các biến thể mới, như Delta… Do đó, đại dịch này có thể sẽ còn kéo dài và các ngân hàng trung ương, nếu có kế hoạch thắt chặt tiền tệ, cũng sẽ rất thận trọng. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho đà tăng giá vàng trong bối cảnh lạm phát đang tăng mạnh với sự hậu thuẫn thêm của giá dầu thô có xu hướng tăng cao.
Về dài hạn, giá vàng vẫn được nhiều chuyên gia nhận định sẽ tiến tới mức 2.000USD/oz. Ngoài yếu tố lạm phát, nhu cầu vàng vật chất tăng trở lại khi kinh tế thế giới phục hồi, cộng với việc các ngân hàng trung ương mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, đặc biệt là các ngân hàng ở Châu Âu đang tăng cường mua vàng theo quy định mới của Basel III… sẽ hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng trong dài hạn.
Trong tuần tới, ngoài cuộc họp của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), thì có rất ít số liệu kinh tế được công bố. Do đó, giá vàng tuần tới nhiều khả năng sẽ ít có biến động mạnh, mà sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy trong biên độ hẹp.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn nằm trong kênh tăng giá trung và dài hạn. Đối với xu hướng ngắn hạn, sau khi dải Bollinger thắt lại, giá vàng đã có diễn biến tích cực hơn, trong khi các chỉ số MACD, ADX, Stochastic… cũng cho thấy tín hiệu tích cực hơn. Theo đó, nếu trụ vững trên mức 1.790USD/oz (MA100 trên biểu đồ tuần), thì giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, nhất là khi vượt qua mức 1.837USD/oz (MA50). Nếu giá vàng đóng cửa trên 1.837USD/oz, sẽ tạo thành bước đệm để giá vàng bật mạnh lên vùng 1.900USD/oz trong ngắn hạn. Trong khi mức 1.750USD/oz vẫn đang là mức hỗ trợ quan trọng thứ hai, kế tiếp là 1.677USD/oz. Nếu giá vàng giảm xuống dưới 1.677USD/oz, thì các nhà đầu tư cần đánh giá lại xu hướng giá vàng ngắn hạn, vì rất có thể giá vàng sẽ giảm sâu hơn nữa trước khi tăng trở lại.
Có thể bạn quan tâm