Vàng miếng SJC vượt 61 triệu đồng, lập kỷ lục chênh lệch so với giá vàng thế giới

LÊ MỸ 16/11/2021 12:00

Lúc 11h sáng 16/11, giá vàng miếng SJC bán ra cao nhất lên tới 61,33 triệu đồng/ lượng cho loại 2C, 1C, 5 phân. Theo đó, vàng đã đắt thêm gần tới 3 triệu đồng so với hồi đầu tháng.

>>> Giá vàng tuần tới: Phá đỉnh 1.900USD/oz trước nỗi lo lạm phát?

Giá vàng miếng của Tập đoàn Vàng bạc đá quý SJC loại 1 lượng, 10 lượng, cho tới các chỉ và 5 phân vào sáng nay 16/11 đều niêm yết mua vào 60,6 triệu đồng/ lượng và bán ra từ 61,3 triệu đồng – 61,33 triệu đồng/ lượng. Chênh lệch giữa hai chiều mua bán ở mức 700.000 đồng/ lượng.

Giá vàng hôm nay ghi nhận chênh lệch kỷ lục của giá vàng trong nước (vàng miếng SJC) so với giá vàng thế giới

Giá vàng hôm nay ghi nhận chênh lệch kỷ lục của giá vàng trong nước (vàng miếng SJC) so với giá vàng thế giới

Vàng nhẫn SJC 99,99 sáng 16/11 cũng niêm yết mua vào 53,15 triệu đồng/lượng, bán ra 53,85 triệu đồng/ lượng, chênh lệch giữa hai chiều mua bán tương tự vàng miếng 700.000 đồng/ lượng. Vàng nhẫn SJC 99,99 loại 0,5 chỉ có giá mua vào bằng vàng nhẫn SJC 99,99 các loại, bán ra cao hơn, niêm yết tại 53,95 triệu đồng/ lượng.

Theo đó, giá vàng nhẫn SJC tại chính Tập đoàn thương hiệu vàng quốc gia niêm yết, cũng đã cao hơn ở chiều bán ra so với trong vòng 3 ngày qua ở mức 400.000 đồng/ lượng.

Giá vàng miếng tại DOJI trong sáng 16/11 cũng tăng 150.000 đồng chiều mua vào và 200.000 đồng chiều bán ra, lên 60,15 - 60,9 triệu đồng.

Giá vàng trong nước hôm nay được xem là tăng sốc do phiên đầu tuần hôm qua, giao dịch đã có tín hiệu giảm nhiệt và giá vàng miếng SJC đã giảm hẳn 200.000 đồng lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước. Thậm chí, vàng miếng SJC còn được dự báo có thể giảm mạnh do khi giá vàng thế giới đạt đỉnh và giá vàng trong nước cũng leo thang đến ngưỡng kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư vàng vật chất quốc tế lẫn trong nước sẽ lập tức bán ra lượng lớn để hiện thực hóa lợi nhuận.

Trong quá khứ, thị trường từng chứng kiến điều này, gần nhất tháng 8/2020, khi giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.068 USD/ounce, giá vàng SJC vọt lên 62,2 triệu đồng/lượng. Nhiều nhà đầu tư cũng đã bán tháo khiến giá vàng đảo chiều và đặc biệt giá vàng SJC trong nước thậm chí bốc hơi hàng triệu đồng/ lượng, đẩy giá về ngưỡng 55 triệu đồng/ lượng khá nhanh.

Việc tuột dốc mạnh của giá vàng SJC so với đà đổ dốc của giá vàng quốc tế trong lần này nếu có xảy ra, cũng được giới chuyên môn dự báo có thể lặp lại tương tự khi khoảng chênh lệch nếu quy đổi theo tỷ giá của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới quá cao. Tính theo giá của phiên giao dịch sáng hôm nay, đã đạt kỷ lục chênh lệch tới 10,1 triệu đồng/ lượng.

Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, do giá vàng SJC đã neo ở mức từ 54-55 triệu đồng/ lượng khá lâu và giao dịch vàng cũng có sự suy giảm nhất định bởi giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài vừa qua, nên giá vàng trong nước nếu có đảo chiều, cũng khó tuột nhanh như trước với lượng bán ra có thể sẽ không quá lớn, một chuyên gia dự báo.

[Giá vàng tăng dựng đứng do đâu?]

Trong phiên giao dịch 15/11, giá vàng thế giới có lúc chạm 1.870 USD/ounce trước khi về vùng giao dịch 1.867 USD, tương đương 51,2 triệu đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank.

Giá vàng quốc tế đã tăng gần 100 USD trong 8 phiên qua và là chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 5 sau khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng vọt và lo ngại tình trạng lạm phát kéo dài. Hiện tại, chính sách tiền tệ của Mỹ đang được cho sẽ tiếp tục hỗ trợ giá khi áp lực lạm phát gia tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như không muốn tăng lãi suất sớm bất cứ lúc nào, điều này cùng với lạm phát cao tạo ra sự kết hợp hoàn hảo giữa lãi suất thực âm đối với vàng, hấp dẫn các nhà đầu tư vào “hầm trú ẩn”.

Diễn biến giá vàng thế giới 24h trên kitco

Diễn biến giá vàng thế giới 24h trên sàn kitco phiên 15/11

Một số tổ chức, nhà đầu tư cũng đã lạc quan là không gì cản phá giá vàng tiệm cận mốc 1.900 USD ở phía trước. Ngân hàng Société Générale (Pháp) trong dự báo của mình còn nhận định vàng sẽ phục hồi đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2022.

Trong dự báo, Société Générale nhận thấy giá vàng trung bình sẽ vào khoảng 1.950 USD. Mục tiêu giá trung bình của ngân hàng thể hiện mức tăng 4,5% so với giá hiện tại.

Tuy nhiên, cũng vẫn có những quan điểm trung lập với dự báo nếu không phá được mốc 1.870 USD, vàng sẽ làm một số nhà đầu tư thất vọng. Thậm chí, nhiều nhà phân tích cho rằng giá vàng cũng như lạm phát sẽ bắt đầu hạ nhiệt trong nửa cuối năm sau. Theo các nhà kinh tế, lãi suất thực của Hoa Kỳ sẽ chuyển biến tích cực trở lại vào cuối năm 2022 và đó là thời điểm thị trường chứng kiến vàng gặp khó khăn.  

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng tuần tới: Phá đỉnh 1.900USD/oz trước nỗi lo lạm phát?

    Giá vàng tuần tới: Phá đỉnh 1.900USD/oz trước nỗi lo lạm phát?

    05:30, 14/11/2021

  • Giá vàng tăng dựng đứng do đâu?

    Giá vàng tăng dựng đứng do đâu?

    04:40, 10/11/2021

  • Giá vàng tuần tới: Ai đang thao túng thị trường vàng?

    Giá vàng tuần tới: Ai đang thao túng thị trường vàng?

    11:00, 07/11/2021

  • Lạm phát “bùng phát”, giá vàng tuần tới sẽ thế nào?

    Lạm phát “bùng phát”, giá vàng tuần tới sẽ thế nào?

    08:30, 24/10/2021

LÊ MỸ