Giá vàng tuần tới: Chưa dứt điều chỉnh, tích lũy chờ cơ hội
Giá vàng tuần tới được nhiều chuyên gia nhận định vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh và tích lũy, tạo nền tảng cho đà tăng kế tiếp.
>> Giá vàng năm 2022 sẽ thế nào?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có cú giảm từ mức 1.831USD/oz xuống tới mức 1.782USD/oz và đóng cửa ở mức 1.796USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng giảm từ mức 61,75 triệu đồng/lượng xuống 61,35 triệu đồng/lượng và sau đó tăng lên mức 61,65 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng giảm ở những phiên đầu tuần do biên bản cuộc họp tháng 12/2021 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy cơ quan này sẽ tăng mạnh lãi suất cơ bản, đồng thời thu hẹp mạnh bảng cân đối tài sản (hiện ở mức 8.800 tỷ USD) trong bối cảnh lạm phát của Mỹ đang có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, FED cho biết dù số lượng việc làm hàng tháng của Mỹ đang có xu hướng giảm mạnh, vẫn còn thiếu hơn 3 triệu việc làm so với thời điểm trước đại dịch, nhưng thị trường lao động nước này đang tiến tới trạng thái ổn định.
“FED tăng lãi suất sẽ đẩy lợi suất trái phiếu và USD tăng, qua đó tác động tiêu cực đối với giá vàng trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, đà tăng lãi suất của FED sẽ khó theo kịp tốc độ tăng lạm phát hiện nay, do đó, giá vàng vẫn sẽ được hỗ trợ tích cực”, ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối nhận định.
Dù FED khẳng định việc giảm việc làm không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng số liệu việc làm tháng 12/2021 được công bố cuối tuần này chỉ đạt 199.000 việc làm, đã khiến các nhà đầu tư lo ngại, quay trở lại mua vàng, giúp giá vàng phục hồi trở lại mức 1.798 USD/oz.
Trong năm 2021, dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch, nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở Ấn Độ vẫn đạt hơn 500 tấn. Với đà phục hồi kinh tế như hiện nay, nhu cầu vàng ở nước này sẽ còn tăng cao hơn. Đặc biệt, mùa lễ hội ở Châu Á đang diễn ra, do đó, nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực trong thời gian tới. Đây được cho là yếu tố hậu thuẫn cho đà tăng của giá vàng năm 2022. Đó là chưa kể việc các ngân hàng trung ương vẫn đang âm thầm mua vàng để đa dạng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
>> Giá vàng tuần tới sẽ thế nào khi FED tăng tốc thu hẹp QE?
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị vẫn đang âm ỉ bùng phát ở nhiều nước, khu vực cũng sẽ góp phần làm tăng vai trò trú ẩn của vàng trong năm nay.
Trong tuần tới, Mỹ công bố khá nhiều số liệu kinh tế quan trọng, trong đó đáng chú ý chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của nước này được dự báo có thể tăng tới 7% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu đúng như dự báo, CPI hàng năm của nước này đã đạt mức cao nhất trong 40 năm qua. Điều này càng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư về việc FED sẽ đẩy mạnh siết chặt tiền tệ trong năm nay. Tuy nhiên, điều này khó đẩy giá vàng tuần tới giảm mạnh khi đại dịch vẫn còn diến biến phức tạp, có thể khiến FED phải thay đổi mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của mình.
Ngoài CPI, Mỹ còn có các chỉ số khác, như chỉ số giá sản xuất (PPI), doanh số bán lẻ, đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần… Tuy nhiên, các chỉ số này không tác động mạnh đến giá vàng tuần tới.
Ông Colin cho rằng giá vàng ngắn hạn có thể vẫn sẽ còn điều chỉnh, tích lũy theo các yếu tố tác động cơ bản. Với giá vàng tuần tới, mức hỗ trợ quan trọng tại 1.750USD/oz. Nếu bị đẩy xuống dưới mức này, thì giá vàng tuần tới vẫn có thể xuống dưới 1.700USD/oz. Nhưng về dài hạn, giá vàng vẫn đang nằm trong kênh tăng giá, hướng tới 1.900USD/oz, thậm chí 2.000USD/oz trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm