Lo FED tăng lãi suất, vàng lao dốc không phanh
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao, cùng với giá dầu thô mạnh xuống dưới 100 USD/thùng, kéo theo giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục lao dốc không phanh.
>>>Đàm phán Nga và Ukraine chờ đợi tín hiệu khả quan, giá vàng giảm mạnh
Tại thị trường trong nước, trong phiên giao dịch chiều ngày 16/3, giá vàng miếng SJC tiếp đà trượt dốc không phanh, kéo giá vàng tuột khỏi ngưỡng 68.000.000 đồng/lượng. Cụ thể, vào lúc 14 giờ, Công ty CP Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức giá 66.500.000 đồng/lượng chiều mua vào, giảm 900.000 đồng/lượng và 67.700.000 đồng/lượng chiều bán ra, giảm 1.000.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch trước đó. Mức giảm giá này được Công ty SJC áp dụng cho cả 3 thị trường lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Chênh lệch biên độ mua – bán được thu hẹp lại còn 1.200.000 đồng/lượng.
Tương tự, thương hiệu DOJI Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức giá 66.300.000 đồng/lượng chiều mua vào, giảm 200.000 đồng/lượng và bán ra còn 67.600.000 đồng/lượng, giảm 900.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Cùng thời điểm trên, thương hiệu Phú Quý SJC, giảm giá vàng miếng SJC với mức giảm 500.000/lượng ở chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày 15/5, còn 66.400.000 đồng và 67.600.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, ngân hàng MSB là một trong số ít các đơn vị kinh doanh vàng miếng có mức tăng giá 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán trong phiên giao dịch chiều nay và đây cũng là đơn vị giữ giá mua – bán vàng cao nhất thị trường. Hiện giá mua bán của nhà băng này đang ở mức giá 66.900.000 đồng và 69.200.000 đồng/lượng. Chênh lệch biên độ giữa mua và bán cũng được nhà băng này nới rộng hơn rất nhiều so với các thương hiệu khác, hiện lên đến 2.300.000 đồng/lượng.
Cùng chung với đà giảm của vàng miếng SJC, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ cũng đồng loạt điều chỉnh giảm giá 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày 15/3, đồng thời áp dụng cho cả hai thị trường lớn là TP.HCM và Hà Nội. Hiện giá mua bán vàng nhẫn của thương hiệu này đang ở mức giá 54.800.000 đồng và 55.900.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC với vàng trang sức hiện vẫn ở mức 11.800.000 đồng/lượng.
>>>FED tăng lãi suất tác động thế nào đến giá vàng tuần tới?
Tại thị trường thế giới, lúc 8 giờ 30 sáng nay (ngày 16/3, theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 1.920 USD/ounce, giảm mạnh tới 22 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp đánh dấu đà lao dốc không phanh của giá vàng thế giới. Trong phiên, có thời điểm giá vàng thế giới giảm sâu về 1.914 USD/ounce, hướng đến vùng 1.900 USD/ounce. Chốt phiên giao dịch ngày 15/3, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.918,10 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay giảm mạnh chủ yếu do lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt khi thị trường đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp giữa kỳ diễn ra ngày 15-16/3. Theo ghi nhận, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vọt lên trên ngưỡng 2,12% trong phiên 15/3, mức cao nhất kể từ tháng 7/2019.
Theo chuyên gia Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới đầu tư OANDA, thị trường dường như phản ứng muộn hơn trước những tác động tiềm tàng từ quyết sách của Fed tại cuộc họp tới đây. Ngoài ra, sự gia tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng không giúp ích gì cho vàng.
Vàng giảm giá còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu giảm mạnh. Giá dầu đã giảm từ đỉnh cao 140 USD/thùng trong tuần trước về mức 96 USD/thùng đêm ngày 15/3 (giờ Việt Nam).
Giá dầu thô giảm mạnh sau khi Trung Quốc thông báo phong tỏa thêm nhiều thành phố trước lo ngại dịch COVID-19 lây lan. Trước đó, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này cũng phong tỏa thành phố Thâm Quyến - trung tâm công nghệ của Trung Quốc. Việc áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng do COVID-19 được cho là có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến giới đầu tư cân nhắc lại dự báo về nhu cầu dầu mỏ.
Ngoài ra, do có nhiều thông tin tích cực về chiến sự Nga - Ukraine, giúp thị trường chứng khoán tăng điểm, từ đó gây sức ép lên các thị trường kim loại. Thực tế, các đoàn đại biểu Nga - Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trong các ngày liên tiếp – nhưng các bên đều khá kín tiếng, chưa có tiến triển mới nào được công bố.
Đại diện UBS Wealth Management cho rằng, thị trường hiện đã ít lo ngại hơn về tình hình ở Ukraine. Chính tâm lý đó đã làm giảm lực hỗ trợ cho các tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Trong ngắn hạn, vàng chịu áp lực chốt lời và sự ổn định trở lại trên thị trường tài chính và hàng hóa thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Đàm phán Nga và Ukraine chờ đợi tín hiệu khả quan, giá vàng giảm mạnh
10:15, 14/03/2022
FED tăng lãi suất tác động thế nào đến giá vàng tuần tới?
05:30, 13/03/2022
Vừa về dưới 70 triệu đồng, giá vàng trong nước lại thuận chiều quốc tế tăng vọt
14:00, 11/03/2022
Loạn giá vàng, can thiệp cách nào?
05:30, 10/03/2022
Diễn biến "giật cục", giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao so với giá vàng thế giới
16:18, 09/03/2022
Giá vàng “nhảy múa”, ai "nắm đằng chuôi"?
04:30, 09/03/2022