Vàng thế giới giảm sâu, trong nước đứng yên
Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đầu tháng 6 giảm mạnh, nhưng tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp vẫn cố “níu giữ” giá vàng miếng SJC khỏi tuột mất ngưỡng 69 triệu đồng/lượng.
>>>Vàng trong nước giảm mạnh phiên đầu tuần
Giá vàng thế giới vào thời điểm lúc 9 giờ sáng nay theo giờ Việt Nam, giao dịch quanh mức giá 1.835 USD/ounce, giảm 12 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Giá vàng kết thúc tháng 5 bằng một phiên giảm giá, đồng thời kết thúc tháng giảm giá thứ 2 liên tiếp của kim loại quý.
Theo đó, vàng đã giảm giá từ gần 1.900 USD/ounce kể từ đầu tháng 5 xuống 1.786,6 USD vào ngày 16/5, vì đồng bạc xanh tăng vọt lên đỉnh hai thập kỷ. Kể từ đó, kim loại quý đã phục hồi phần nào nhưng vẫn lình xình không thể vượt lên khỏi ngưỡng 1.850 USD.
Thị trường vàng tiếp tục chịu áp lực bởi lợi suất trái phiếu tăng trở lại. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng cao hơn, đạt 2,802%, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý, trong khi đồng USD mạnh với chỉ số USDX, tăng 0,62% lên 101,935, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Rạng sáng hôm nay, theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell. Phát biểu ngắn gọn trước cuộc gặp, Tổng thống Mỹ nói rằng, mục đích của cuộc gặp là thảo luận về ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết lạm phát.
"Cuộc gặp của tôi với Chủ tịch FED là để thảo luận về ưu tiên hàng đầu cho việc giải quyết lạm phát theo hướng tôn trọng sự độc lập chính sách tiền tệ của FED. Đó là điều mà tôi đã làm và sẽ tiếp tục làm", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.
Thực tế, từ đầu năm 2022 đến nay, FED đã tăng 2 lần tăng lãi suất cơ bản với mức tăng tổng cộng là 0,75% điểm phần trăm. Tuy nhiên, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của FED cho biết họ dự kiến tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi đạt 2,5% vào cuối năm nay và hơn thế nữa. Các đợt tăng lãi suất sẽ bao gồm mức tăng 0,5 điểm % tại cuộc họp tháng 6 và tháng 7/2022.
Phản ứng thông tin này, giới đầu tư tài chính đã dồn vốn vào USD vì cho rằng đồng bạc xanh sẽ tăng thêm sức mạnh trong tương lai. Kết quả, USD tăng giá rất mạnh so với nhiều ngoại tệ khác, bất lợi cho giá vàng hôm nay.
Do USD tăng giá nên lãi suất trái phiếu Mỹ cũng vọt lên 2,84%/năm. Theo đó, nhiều người thu gom USD để mua trái phiếu, giúp đồng tiền này tăng giá nhiều hơn. Do đó, giá vàng hôm nay phải gánh thêm áp lực đi xuống.
>>>Lạm phát Mỹ “hạ nhiệt”, chiến lược đầu tư nào với giá vàng tuần tới?
Trước sức mạnh của USD và trái phiếu Mỹ, có lẽ giới đầu cơ nhận thấy thị trường vàng đang rơi vào thế khó khăn. Vì thế, khi giá kim loại quý giao dịch trong vùng 1.855 USD/ounce, họ đã ồ ạt bán ra thu hồi vốn, khiến giá vàng giảm một mạch 20 USD/ ounce vào lúc rạng sáng nay, đến 16 giờ chiều ngày 1/6, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới trên kitco.com giảm còn 1.831 USD/ounce.
Mặc dù giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đầu tháng 6 giảm mạnh, nhưng tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn cố “níu giữ” giá vàng miếng SJC khỏi tuột mất ngưỡng 69 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, không thay đổi giá mua bán vàng miếng so với chốt phiên giao dịch ngày 31/5 ở cả 3 thị trường lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Theo đó, giá mua bán vàng tại SJC hiện là 68.300.000 đồng/lượng mua vào và bán ra là 69.300.000 đồng/lượng. Riêng tại thị trường Hà Nội và Đà Nẵng có giá bán cao hơn thị trường TP.HCM 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch biên độ mua bán vẫn được công ty SJC duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Tương tự, thương hiệu VietinBank Gold cũng giữ nguyên giá mua bán vàng miếng so với chốt phiên giao dịch phiên cuối tháng 5 với mức giá mua vào là 68.300.000 đồng/lượng và bán ra là 69.320.000 đồng/lượng. Trong khi đó, thương hiệu Phú Quý SJC tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, đạt 68.350.000 đồng và 69.150.000 đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 1/6, DOJI Sài Gòn là một trong số ít doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trong nước giảm giá mua, bán vàng SJC. Theo đó, DOJI Sài Gòn giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, còn 68.350.000 đồng và 69.050.000 đồng/lượng.
Do giá vàng trong nước đứng yên, trong khi giá thế giới giảm sâu, nên giá vàng miếng SJC trong nước vẫn cao hơn giá thế giới gần 18 triệu đồng/lượng. Đây là điều bất hợp lý của thị trường vàng trong nước khi giá luôn cao hơn rất nhiều so với giá thế giới, đẩy rủi ro về phía người mua vàng.
Có thể bạn quan tâm
Vàng trong nước giảm mạnh phiên đầu tuần
17:00, 30/05/2022
Lạm phát Mỹ “hạ nhiệt”, chiến lược đầu tư nào với giá vàng tuần tới?
05:10, 29/05/2022
Chiến sự Donbass “nóng bỏng”, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
05:15, 22/05/2022
USD tăng vọt, giá vàng tuần tới còn giảm tiếp?
06:30, 15/05/2022
USD lập đỉnh mới trong 20 năm, đẩy giá vàng vào “vùng nguy hiểm”
10:40, 13/05/2022
Giá vàng tuột ngưỡng 70 triệu đồng/lượng
13:00, 11/05/2022