Áp lực lãi suất kéo giá vàng đi xuống
Áp lực lãi suất và lạm phát tăng cao, cùng với đà phục hồi của các thị trường chứng khoán và đồng USD mạnh lên, khiến nhà đầu tư lo ngại vàng sẽ giảm điểm nên bán chốt lời, khiến giá vàng đi xuống.
>>>Có hay không sự thao túng giá vàng SJC?
Tại thị trường trong nước, trong phiên giao dịch chiều ngày 10/6, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá mạnh từ 100.000 – 250.000 đồng mỗi lượng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm giá vàng miếng 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày 9/6, còn 68.550.000 đồng/lượng mua vào và 69.450.000 đồng/lượng bán ra. Mức điều chỉnh này được Công ty SJC áp dụng cho cả 3 thị trường lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Chênh lệch biên độ giữa mua và bán được thu hẹp lại còn 900.000 đồng/lượng.
Tương tự, thương hiệu VietinBank Gold cũng giảm giá 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch trước đó, còn 68.550.000 đồng/lượng mua vào và 69.470.000 đồng/lượng bán ra. Ngân hàng Sacombank giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch trước đó đối với vàng miếng SJC loại 1 lượng. Hiện giá mua, bán vàng SJC của nhà băng này là 68.900.000 đồng/lượng mua vào và bán ra là 69.500.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, thương hiệu DOJI Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC với mức giá 68.700.000 đồng/lượng mua vào và 69.400.000 đồng/lượng bán ra, giảm đều 200.000 đồng/lượng ở cảo hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày 9/6. Trong khi đó, thương hiệu Phú Quý SJC niêm yết vàng miếng với mức giá 68.550.000 đồng/lượng mua vào, giảm 250.000 đồng/lượng và bán ra còn 69.400.000 đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch trước đó.
Cùng chung với đà giảm của vàng miếng SJC, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ tại thị trường TP.HCM cũng đồng loạt giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày 9/6, hiện còn 53.700.000 đồng/lượng mua vào và 54.800.000 đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC với vàng trang sức hiện đang ở mức 14.650.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, lúc 18 giờ chiều ngày 10/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng trên kitco.com giao dịch quanh mức 1.842 USD/ounce, giảm khoảng 6 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch ngày 9/6. Quy đổi, giá vàng thế giới vẫn đang thấp hơn giá vàng miếng SJC trong nước gần 18 triệu đồng/lượng.
>>>Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng quyết định của ECB và CPI của Mỹ
Giá vàng trong phiên giao dịch cuối tuần biến động trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ tăng lãi suất cơ bản 0,25 điểm % vào tháng 7 và đến tháng 9/2002 lãi suất sẽ tăng thêm 0,5 điểm %. Đồng thời, ECB dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) lên tới 6,8%, kinh tế tăng trưởng 2,8%.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin về lạm phát của Mỹ được công bố. Theo một cuộc thăm dò của Reuters, chỉ số CPI tại Mỹ được dự báo tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu CPI sẽ cho thấy mức lạm phát của nước này đã đạt đỉnh hay chưa? Điều đó sẽ gợi ý về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt quyết liệt trong nửa cuối năm hay không để hạ nhiệt đà tăng giá cả.
Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda - Edward Moya cho biết: “Cuối cùng ECB cũng phải giải quyết lạm phát bởi tình trạng lạm phát tại khu vực đồng Euro có khả năng sẽ còn tăng nóng hơn so với ở Mỹ. Vì vậy, FED có thể cũng sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt lãi suất trong thời gian tới”.
Ngoài ra, giá vàng còn đang chịu áp lực giảm giá bởi đà phục hồi của các thị trường chứng khoán nhờ kỳ vọng việc gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu các quan chức nước này xem xét dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc như là một giải pháp nhằm hạ nhiệt lạm phát của nền kinh tế nước này.
Trước những thông tin này, đồng USD tăng giá trên diện rộng, kéo theo lãi suất trái phiếu Mỹ vọt lên 3,07%. Nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường vàng hôm nay sẽ giảm điểm nên bán chốt lời, chờ giá vàng giảm sẽ mua lại "ăn" chênh lệch.
Theo ông Rhona O'Connell - Trưởng bộ phận phân tích thị trường EMEA và châu Á tại StoneX, thị trường vàng đã bị mắc kẹt trong mô hình nắm giữ ba tuần liên tiếp và có thể tiếp tục củng cố cho đến cuộc họp chính sách tiền tệ của FED vào tuần tới.
Tuy nhiên, ông Rhona O'Connell cho rằng, giới đầu tư vàng nên xem xét bất kỳ phản ứng tiềm ẩn nào sau thông báo vào tuần tới và tập trung vào bức tranh toàn cảnh hơn. Ông cũng lưu ý, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương có phù hợp các chính sách tiền tệ hiện tại hay không.
Có thể bạn quan tâm
Có hay không sự thao túng giá vàng SJC?
17:41, 08/06/2022
Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng quyết định của ECB và CPI của Mỹ
05:10, 05/06/2022
Lạm phát Mỹ “hạ nhiệt”, chiến lược đầu tư nào với giá vàng tuần tới?
05:10, 29/05/2022
Chiến sự Donbass “nóng bỏng”, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
05:15, 22/05/2022
USD tăng vọt, giá vàng tuần tới còn giảm tiếp?
06:30, 15/05/2022
USD lập đỉnh mới trong 20 năm, đẩy giá vàng vào “vùng nguy hiểm”
10:40, 13/05/2022
Giá vàng tuột ngưỡng 70 triệu đồng/lượng
13:00, 11/05/2022