Cứ nhiệt điện là ô nhiễm?
Điều quan trọng khi đánh giá một dự án đầu tư là vấn đề công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, chứ không phải là “vừa nghe tên đã sợ”.
Nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực nhiệt điện, dệt nhuộm, giấy và bột giấy... đang nhận những cái nhìn thiếu thiện cảm của người dân, thậm chí cả các quan chức địa phương. Thế nhưng điều quan trọng khi đánh giá một dự án đầu tư là vấn đề công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, chứ không phải là “vừa nghe tên đã sợ”.
Nhiệt điện bị "hắt hủi"?
Nhiều năm nay, nhiệt điện chạy than ở Việt Nam đang nhận được những đánh giá không mấy tích cực khi luôn bị “đổ tội” là gây ô nhiễm.
Thế nhưng thực tế, nhiệt điện than ở Việt Nam chưa thấm vào đâu so với thế giới. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Trong tổng tiêu dùng than của Việt Nam năm 2017, than dùng cho phát điện chiếm gần 70%. Trong lĩnh vực dùng than phát điện, Việt Nam đang ở vị trí khiêm tốn. Theo số liệu của IEA, tính đến năm 2014, Việt Nam xếp thứ 22 trên thế giới về tổng công suất nhiệt điện chạy than (trong khi Việt Nam xếp thứ 15 về dân số).
“Tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng công suất phát điện của VN chỉ chiếm 26,3% (mức bình quân của thế giới là 36%); tỷ trọng nhiệt điện than của Việt Nam so với thế giới chỉ chiếm 0,3% (trong khi dân số chiếm tỷ trọng 1,2%, gấp 4 lần)”, đại diện EVN cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Sáng nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời về tình trạng ô nhiễm môi trường
05:00, 05/06/2018
Đà Nẵng: “Nóng” vì ô nhiễm môi trường
15:32, 15/05/2018
Làng nghề tự phát gây ô nhiễm môi trường
01:04, 21/05/2018
Dẫn nguồn từ Lars Schernikau năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Ngay cả nhiều nước tiến bộ trên thế giới, nhiệt điện than vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong công suất phát điện. Ở Mỹ, công suất nhiệt điện chạy than là 322 GW, đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc (915 GW). Tỷ trọng nhiệt điện chạy than của Mỹ chiếm tới 31% tổng lượng điện của Mỹ, và chiếm tới 17% tỷ trọng nhiệt điện than trên thế giới.
Xếp trên Việt Nam về lượng công suất nhiệt điện chạy than còn có hàng loạt các nền kinh tế hàng đầu khác như Anh, Ý, Tây Ban Nha, Canada...
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, “đi đến đâu cũng nghe không được làm điện than”. “Các địa phương nói không với nhiệt điện, trong khi đó các nước như Nhật, Mỹ hiện họ đóng các nhà máy cũ nhưng vẫn làm các dự án điện than mới”, ông Vượng chia sẻ.
Cùng với nhiệt điện, các dự án dệt nhuộm cũng gặp phải cái nhìn “thiếu thiện cảm”. Trong khi đó, khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất lại chính là điểm nghẽn nhất trong việc nâng cao giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sợi sản xuất trên 1,4 triệu tấn/năm, trong đó đến 90% xuất khẩu, nhưng trong năm 2017 lại nhập 876.000 tấn, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Việt Nam đã phê duyệt rất nhiều dự án FDI trong lĩnh vực dệt nhuộm với kỳ vọng sẽ giúp ngành dệt may đạt tiêu chuẩn “từ sợi trở đi”, chủ động được nguồn nguyên liệu, tận dụng được ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do.
Lợi ích là thế, nhưng nhiều địa phương lại đang từ chối các dự án dệt nhuộm. Trên các diễn đàn, một lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu nghịch lý: Trong khi ngành dệt may đang phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, thì nhiều dự án đầu tư vào dệt nhuộm trong nước lại bị ách tắc...
Quan trọng là công nghệ xử lý môi trường
Trước đòi hỏi về môi trường, nhiều dự án đầu tư cũng đã tích cực thay đổi công nghệ, cắt bỏ các hạng mục có nguy cơ gây ô nhiễm.
Sau những lùm xùm về môi trường, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội mới đây, đại diện Nhà máy giấy Lee&Man thuộc Công ty TNHH giấy Lee&Man VN (Hậu Giang) đã tuyên bố: Công ty quyết định không làm bột giấy nữa mà chỉ mở rộng nhà máy sản xuất giấy, tập trung đầu tư nâng cao công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất, bảo vệ môi trường.
Với nhiệt điện, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng cho biết: Là dạng nguồn điện truyền thống, EVN có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng cũng như quản lý vận hành và sửa chữa bảo dưỡng. Các nhà máy nhiệt điện đầu tư giai đoạn trước đây đang được đầu tư bổ sung các hệ thống xử lý khí thải và nâng cấp dây chuyền thiết bị để giảm thiểu tác động môi trường, đạt yêu cầu theo Quy chuẩn Việt Nam, đồng thời nâng cao hiệu suất.
Thực tế, sau vụ Formosa xả thải, người dân lẫn cơ quan quản lý đều có cái nhìn khắt khe hơn với các dự án đầu tư. Nhưng việc từ chối dự án đầu tư ngay khi “mới nghe tên” lại chứa đầy mặt trái. Cách ứng xử cực đoan ấy có thể đem đến nhiều hệ lụy khó lường.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư cho rằng: Khước từ nhiệt điện, thì nguy cơ thiếu điện là hiện hữu, tình trạng cắt điện luân phiên sẽ tái diễn với mức độ trầm trọng hơn. Khi đó, hậu quả với sản xuất sẽ là không thể đo đếm được. Từ chối dệt nhuộm, ngành Dệt may Việt Nam mãi mãi cũng chỉ là ở phận “gia công “, giá trị đem lại cho nền kinh tế không đáng kể. Đó là chưa kể, không đáp ứng được nguồn gốc “từ sợi trở đi”, thì hàng dệt may của Việt Nam không thể nhận được thuế quan ưu đãi, không thể cạnh tranh nổi. Khi đó, bao nhiêu người lao động trong nước sẽ chịu cảnh thất nghiệp, nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Điều quan trọng không phải từ chối các dự án, mà theo các chuyên gia, quan trọng là cơ quan Nhà nước cần tăng cường thẩm định, giám sát các dự án đầu tư, đồng thời đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường với các nhà đầu tư. Trong bối cảnh công nghệ đang ngày càng phát triển, việc xử lý những tác hại có thể có đối với môi trường đều trong tầm tay của các doanh nghiệp. Làm được như vậy, Nhà nước vừa ngăn chặn được những DN làm ăn bất chính, chộp giật, vừa “gạn đục khơi trong” chọn được những nhà đầu tư chân chính, vừa tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, vừa bảo vệ được môi trường.