Vì một cộng đồng không rác thải nhựa
Là sáng kiến hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên quy mô rộng lớn, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Prudential Việt Nam hợp tác thực hiện.
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã ký kết hợp tác dự án “Vì một cộng đồng không rác thải nhựa” hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên quy mô rộng lớn. Đây là chương trình khởi động cho chuỗi các hoạt động trách nhiệm xã hội của Prudential (CSR) trong chiến dịch “Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường” giai đoạn 2018-2021.
Theo các chuyên gia, nhờ tính tiện dụng và chi phí sản xuất thấp của các sản phẩm từ nhựa, rác thải nhựa đang trở thành thách thức và mối đe doạ đối với môi trường sống của chúng ta. Rác thải nhựa xuất hiện trong hầu hết các hoạt động từ sản xuất kinh doanh đến đời sống hằng ngày.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Đầu tư 85,35 tỷ đồng xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt
14:46, 16/11/2018
Rác thải và mức độ thịnh vượng
11:00, 06/11/2018
Hạ Long “đau đầu” chuyện thu phí rác thải
05:17, 23/10/2018
Theo số liệu thống kê của TS. Jambeck và cộng sự (2015), có khoảng 150 triệu tấn rác thải từ nhựa đang tồn tại ở các đại dương và trung bình mỗi năm tăng thêm 8 triệu tấn rác thải từ nhựa được thải ra môi trường. Theo nghiên cứu của Đại học Georgia (2015), Việt Nam xếp thứ 4 trong số 5 quốc gia ở Đông Nam Á đã thải ra môi trường 54% tổng khối lượng chất thải nhựa mỗi năm.
Tính đến năm 2025, cứ mỗi 3 tấn cá trên đại dương sẽ có gần 1 tấn rác thải từ nhựa. Đáng lo ngại hơn là đến năm 2050, số lượng nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cả số lượng cá (theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 2016). Chính vì tác động to lớn đến hệ sinh thái mà chúng ta đang sống, các vấn đề về rác thải nhựa đang nhận được nhiều sự quan tâm và đòi hỏi hành động từ các chính phủ, các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.
Trước yêu cầu cấp thiết này, dự án “Vì một cộng đồng không rác thải nhựa”, do Prudential phối hợp cùng WWF, sẽ bắt đầu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đây là những nơi có sự phát triển kinh tế nhanh chóng đi kèm với sự gia tăng dân số và đô thị hóa mạnh mẽ, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường.
Tổng kinh phí Prudential đóng góp để thực hiện sáng kiến này lên đến gần 7 tỷ đồng trong năm đầu tiên với cơ hội mở rộng trong các năm tiếp theo. Trong đó, mức đầu tư cho dự án triển khai cùng WWF là gần 5,5 tỷ đồng. Đội ngũ gần 200.000 nhân viên, tư vấn viên và tình nguyện viên của Prudential từ hơn 350 văn phòng trên cả nước sẽ cùng tham gia hoạt động đánh giá, lập kế hoạch lâu dài về giảm thiểu rác thải nhựa. Mỗi thành viên sẽ là đại sứ của chương trình, tiếp tục truyền cảm hứng và thúc đẩy những thay đổi đến gia đình và những người xung quanh. Thông qua chương trình này, Prudential sẽ lan truyền nguồn cảm hứng tích cực đến những cá nhân và tổ chức có ảnh hưởng trong xã hội, đến từng khách hàng và cộng đồng trên mọi miền đất nước, cùng nhau chung tay tạo nên những thay đổi tích cực cho môi trường.
Ông Clive Baker -Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam chia sẻ, trong gần hai thập kỷ đồng hành cùng người dân Việt Nam, Prudential cam kết xây dựng một Việt Nam bền vững không chỉ thông qua hoạt động kinh doanh, mà còn thông qua những hoạt động cộng đồng mang ý nghĩa thiết thực. Thông qua dự án, Prudential mong muốn mỗi người dân sẽ nhận thức từ đó thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa, không chỉ vì môi trường sống trong lành mà còn vì sức khỏe của chính mình. Prudential sẽ hành động cùng người dân để tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam, cho biết, giảm thiểu rác nhựa là một trong 6 mục tiêu ưu tiên trong chương trình Biển của WWF trên toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này, một cách tiếp cận của WWF là cùng với các đối tác xây dựng những thành phố, những cộng đồng không có rác thải nhựa. “Chúng tôi tin tưởng sẽ nâng cao sự hiểu biết và thay đổi hành vi của cộng đồng, tạo thói quen tiêu dùng bền vững, giảm thiểu tối đa lượng rác nhựa được sử dụng và thải ra hàng ngày tại các khu dân cư, trường học và công sở. Qua đó môi trường và hệ sinh thái biển sẽ được cải thiện, tính toàn vẹn của đa dạng sinh học được bảo vệ, đồng thời xây dựng một môi trường lành mạnh cho sức khỏe cộng đồng.” - Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh cho hay.