VLA đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động ngành dịch vụ logistics
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vừa gửi tới Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho lao động trong ngành dịch vụ logistics.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát và lan rộng như hiện nay có khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics, làm xáo trộn đứt gãy trong chuỗi dịch vụ Logistics, ảnh hưởng đến dòng luân chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo ra những biến động khó lường trên thị trường và bất lợi chung cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn này là mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Lực lượng lao động trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam là một ngành dịch vụ quan trọng, đảm bảo dòng hàng hóa lưu thông phục vụ đời sống thiết yếu của người dân, của ngành Y tế cộng đồng chống dịch. Đây là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được ưu tiên tiêm phòng dịch để phục vụ sản xuất, lưu thông phân phối và y tế .
Lực lượng lao động đặc thù này có khoảng trên 150.000 nhân viên của hơn 500 doanh nghiệp là hội viên thuộc Hiệp hội, bao gồm: Lao động hoạt động Cảng Biển, Sân bay, Kho bãi, Cảng cạn (ICD); Lao động tham gia trực tiếp trong các hoạt động vận tải hàng hóa đường biển, đường sông, đường sắt và đặc biệt là đường bộ (các lái xe); Lao động tham gia trực tiếp trong các hoạt động quản lý kho hàng và phân phối hàng hóa. Lao động tham gia trực tiếp trong công tác làm thủ tục hải quan, giao nhận, làm các thủ tục, chứng từ vận tải liên quan, tiếp xúc với nhiều cơ quan, nhiều người khác nhau.
Nói về vấn đề này, ông Tống Ngọc Phi, giám đốc EVS Logistics chia sẻ: doanh nghiệp Logistics trải dài trên phạm vi cả nước những người trực tiếp tổ chức thực hiện vận chuyển cung cấp kết nối hàng hóa, nguyên vật liệu, lương thực thực phẩm đến nhiều nghìn nhà máy trong gần 500 khu công nghiệp. Tiêm phòng được cho lực lượng này tức cũng là giảm thiểu được nguy cơ lây lan dịch bệnh, cũng như bảo đảm được lực lượng lao động không bị sứt mẻ đội hình góp phần đáng kể vào việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh thành công.
Từ thực tế công ty mình, ông Vũ Văn Duẩn, giám đốc Công ty CP tư vấn và giải pháp tiếp vận ANSLOG cho biết, chỉ cần một doanh nghiệp Logistics nào đó bị phong tỏa hoặc phải đi cách ly cũng sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi vì hiện nay các nhà máy đang sản xuất hàng hóa theo chuỗi.
Đại đa số các doanh nghiệp logistics đều thuê văn phòng làm việc tại các tòa nhà lớn, nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều nghành nghề và rất đông người nên mức độ rủi ro về dịch bệnh lại càng lớn. Nghành nghề Logistics có biên lợi nhuận rất thấp nên các doanh nghiệp đều phải tiết kiệm tối đa chi phí đặc biệt là chi phí văn phòng nên có nhiều doanh nghiệp môi trường làm việc rất chật chội cả về chỗ ngồi làm việc và không gian nên nếu có một người bị bệnh thì chắc chắn mức độ lây nhiễm cho cả công ty là rất nhanh và cao.
Đồng quan điểm với đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng nên đưa các lao động trong ngành dịch vụ logistics vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin vì logistics là một ngành thiết yếu của nền kinh tế, có nhiệm vụ kết nối sản xuất, đảm bảo cho hàng hóa lưu thông. Những người hoạt động trong ngành logistics phải đi lại và tiếp xúc nhiều nên thuộc diện rủi ro cao nếu chẳng may họ mắc thì nguy cơ phát tán ra cộng đồng sẽ rất rộng.
Có thể bạn quan tâm