Hưởng ứng chủ trương tiếp cận nguồn vắc xin nhanh nhất, sớm nhất,… và mong muốn được “chia lửa” của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, cần công khai các loại vắc xin được phê duyệt…
Theo tính toán nhanh từ các Hiệp hội ngành hàng, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh,... kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị “đóng băng” gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai nhanh chóng vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động tại các khu công nghiệp, người lao động thuộc các doanh nghiệp bên cạnh các đối tượng ưu tiên khác là lựa chọn hàng đầu để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, xã hội và tạo dựng cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.
Hưởng ứng Chủ trương tiếp cận nguồn vắc xin nhanh nhất, sớm nhất,… cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước thể hiện mong muốn được “chia lửa” với Chính phủ, không chỉ đóng góp xây dựng quỹ vắc xin, cộng đồng doanh nghiệp còn mong muốn được tham gia cùng Chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn nhập khẩu vắc xin.
Bà Hồng Hạnh - thành viên Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thành viên nhóm công tác Liên hiệp hội dệt may Việt Nam - Hoa Kỳ cho hay, qua mạng lưới của doanh nghiệp và liên hiệp hội, có những doanh nghiệp sẵn sàng kết nối với các đơn vị sản xuất vắc xin, đảm bảo những điều kiện tối ưu. Đơn cử như có đơn vị đàm phán nhà cung cấp có thể đưa vắc xin về tận sân bay, kiểm nghiệm chất lượng mới phải thanh toán hoặc thậm chí có thể đàm phán để chuyển giao công nghệ.
Qua đó, bà Hạnh đề xuất cơ chế doanh nghiệp có thể tham gia, tạo thuận lợi cho các công ty, tập đoàn tư nhân, các FDI có các mối quan hệ được cùng Chính phủ tìm kiếm nguồn cung vắc xin và thương thảo hợp đồng theo nguyên tắc thực hiện, Bộ Y tế sẽ kiểm định chất lượng, cấp phép và triển khai mọi hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tiêm.
Còn ông Nguyễn Hồng Uy - đại diện Eurocham cũng cho rằng, lực lượng lao động hoạt động trong doanh nghiệp cần là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin, Chính phủ cùng doanh nghiệp đồng hành để tìm nguồn vắc xin sớm nhất, chia sẻ chi phí và ngân sách tiêm chủng cho người lao động.
Theo ông Uy, cần phân loại rõ các mức độ ưu tiên theo quản lý rủi ro với những vùng có nguy cơ cao và mức độ rủi ro về kinh tế. Trong đó, với các vùng có nguy cơ cao có thể xem xét mức độ ưu tiên theo thứ tự như ưu tiên trước hết cho những vùng có dịch, nơi có khả năng bùng phát dịch lớn và sau đó mới đến những vùng có nguy cơ thấp.
Và mới đây, trong Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã đề xuất 2 vấn đề.
Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được chủ động đàm phán mua vắc xin với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vắc xin Bộ Y tế chấp nhận.
Các doanh nghiệp cam kết, mọi vấn đề liên quan tới chuyên môn như thủ tục nhập khẩu, bảo quản vắc xin, tiến hành tiêm, đánh giá trước/sau khi tiêm, doanh nghiệp, tổ chức tư nhân sẽ ủy quyền cho các đơn vị hoặc cơ sở y tế được Bộ Y tế công nhận đủ năng lực. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề nghị được tham gia tổ chức tiêm phòng COVID-19 cho nhân viên theo đúng hướng dẫn và các yêu cầu an toàn của Bộ Y tế.
Thứ hai, mở rộng lực lượng tiêm phòng vắc xin để đáp ứng yêu cầu tiêm hàng loạt, diện rộng, phương án được đưa ra là huy động không chỉ các cơ sở tiêm chủng mà có thể xét tới các bệnh viện, trung tâm y tế đủ năng lực chuyên môn theo quy định từ Bộ Y tế.
Thực tế, với mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số và tránh để đứt gãy chuỗi cung ướng ảnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh, việc chung tay của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - Phạm Chi Lan cho rằng, thông điệp Thủ tướng nhấn mạnh là đẩy nhanh việc nhập khẩu và tiêm chủng vắc xin, tận dụng mọi mối quan hệ ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam... để nhập khẩu được vắc xin là tư duy đổi mới, tích cực và quan trọng để phòng chống dịch lâu dài.
“Chừng nào có vắc xin, chừng đó chúng ta mới yên tâm sản xuất và giảm thiểu nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất có thể xảy ra”, bà Lan nhấn mạnh
Theo bà Chi Lan, Chính phủ cũng như Bộ Y tế cần đưa ra công khai những loại vắc xin nào doanh nghiệp có thể nhập khẩu theo tiêu chuẩn thế giới đã làm lâu nay, không để doanh nghiệp loại nào cũng mua mà không thuộc danh sách quy định, còn lại mọi thứ để doanh nghiệp chủ động.
“Phải hiểu lúc này chúng ta đang chạy đua với thời gian để có vắc xin và cuộc đua vắc xin cũng đang đồng hành với cuộc đua duy trì nền kinh tế, cả hai đều quan trọng và cấp thiết như nhau. Mọi chính sách được đưa ra sớm ngày nào hay ngày đó và có giá trị cao hơn, dù chỉ sớm hơn một ngày”, chuyên gia Phạm Chi Lan nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm