2024 là năm của các chuyến bay cao cấp, giúp các hãng hàng không ghi nhận lợi nhuận ổn định. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2025.
Trên thực tế, hàng không là một lĩnh vực kinh doanh không hề dễ dàng, đặc biệt chuyện kiếm lời. Một hãng hàng không sẽ cần đầu tư rất nhiều vào nhân công, vốn, cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ và sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Nếu thế giới xảy ra bất kỳ sự kiện nghiêm trọng nào, ví dụ đại dịch, thảm họa tự nhiên hay chiến tranh, hàng không là ngành chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất. Ví dụ gần đây nhất là việc các hãng hàng không lao đao vì dịch COVID-19.
Tuy nhiên sau vài năm phục hồi từ đại dịch, các hãng hàng không đang đáp một luồng gió thuận mạnh mẽ. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không dự kiến đạt gần 32 tỷ đô lợi nhuận ròng năm nay, với biên lợi nhuận hoạt động cao nhất trong hai thập kỷ qua. Phần lớn trong số này là nhờ nhu cầu bay cao cấp ngày càng tăng.
Các hãng hàng không Mỹ khẳng định “các sản phẩm cao cấp đang vượt trội so với hạng phổ thông”. Hàng không Anh Quốc tuyên bố “đạt hiệu suất đặc biệt tốt với các hạng ghế cao cấp”. Phía Air Canada chia sẻ rằng doanh thu từ các hạng cao cấp tăng trưởng vượt trội. Trong khi đó, Air New Zealand nhận xét “cao cấp hóa” đang là xu hướng của mọi ngành.
Một điều đáng lưu ý là không chỉ các hãng hàng không đường dài tận dụng phân khúc khách hàng cao cấp, mà cả những hãng giá rẻ chặng ngắn cũng gia nhập xu hướng.
Chẳng hạn IndiGo ra mắt ghế hạng thương gia trong năm 2024. Southwest dự kiến đưa vào hoạt động các ghế ngồi cao cấp với không gian rộng rãi hơn vào năm 2025. Hoặc hãng hàng không siêu rẻ như Spirit hoặc Frontier cũng đang thực hiện các thay đổi lớn để theo đuổi xu hướng cao cấp hóa.
Dù nhiều hãng hàng không đua nhau tăng cường hoặc ra mắt các hạng ghế ngồi cao cấp, tuy nhiên việc thay đổi nội thất trên khoang máy bay là chuyện không hề đơn giản, cần chi phí đầu tư rất lớn. Bất chấp điều này, các hãng hàng không vẫn quyết tâm thay đổi, vì họ đặt cược rằng xu hướng cao cấp hóa sẽ kéo dài, vì xu hướng chung là ngày càng nhiều người vừa có tiền, vừa có thời gian và vừa khao khát đi du lịch.
Trên thực tế, nhu cầu bay cao cấp không chỉ giới hạn ở khách hàng doanh nghiệp, doanh nhân. Ngay cả khách du lịch cũng mong muốn tận hưởng trải nghiệm này. Trong năm 2024, phân khúc khách du lịch cao cấp dẫn đầu xu hướng. Những chuyến bay đến các địa điểm nghỉ dưỡng thường đông kín khách.
Tin tưởng vào sức mạnh của xu hướng cao cấp hóa, các hãng hàng không liên tục triển khai những dự án nâng cấp sản phẩm.
British Airways đang lên kế hoạch nâng cấp máy bay A380, với thêm 22% không gian dành cho hạng cao cấp. Hay Singapore Airlines vừa ra mắt dịch vụ khoang hạng nhất và hạng thương gia trên các chuyến bay đường dài. Air France chuẩn bị đưa vào hoạt động khoang cao cấp mang tên La Premiere đầu năm sau.
Năm 2025, IATA dự báo doanh thu ngành hàng không toàn cầu sẽ lần đầu tiên vượt mốc 1 nghìn tỷ đô. Và dĩ nhiên xu hướng cao cấp hóa vẫn tiếp tục và đóng góp đáng kể vào thành công này.
Là một phần trên thị trường chung toàn cầu, các hãng hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, bởi những năm gần đây, đặc biệt năm 2024, nhiều người thuộc giới siêu giàu đã đến Việt Nam du lịch.
Chẳng hạn tháng 3, tỷ phú Bill Gates cùng bạn gái dành 4 ngày ở Đà Nẵng và lưu trú trong khu nghỉ dưỡng biệt lập tại bán đảo Sơn Trà. Hồi tháng 8, tỷ phú Ấn Độ đưa 4.500 nhân viên sang Việt Nam du lịch và bản thân ông cũng có những trải nghiệm cùng gia đình tại Đà Nẵng.
All Asia Vacation (AAV), đơn vị tổ chức chuyến du lịch cho các tỷ phú, triệu phú, cho biết du lịch Việt Nam đang thành xu hướng trong giới siêu giàu. CEO Nguyễn Đức Hạnh của AAV cho biết trong số người trong giới siêu giàu (tổng tài sản trên 30 triệu USD) công ty đã phục vụ khoảng 100 khách đến Việt Nam, tăng 12% so với năm trước và cao hơn rất nhiều so với năm 2019 - đỉnh cao của du lịch Việt.
Hoặc Vietravel, đơn vị thầu đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ, cũng tiếp đón nhiều đoàn khách VIP, gồm tỷ phú, giới siêu giàu ở Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Quốc với số lượng "tăng đáng kể" so với những năm trước.
Để khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ nghỉ dưỡng cao cấp, việc tạo ra những dự án đẳng cấp là điều quan trọng. Trong đó chắc chắn không thể thiếu các hãng hàng không, bởi đây là phương tiện di chuyển gần như duy nhất của các khách hàng cao cấp.
Hy vọng rằng với những tín hiệu khả quan này, hàng không Việt Nam có thể hòa chung xu thế cao cấp hóa, góp phần tạo nên hệ sinh thái dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp cho nước nhà.