Quảng Ngãi: Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Trong những tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi đạt được một số kết quả tích cực nhưng nhiều ngành sản xuất đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, chưa bao giờ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Chưa ai dám khẳng định “dịch COVID-19 bao giờ sẽ kết thúc?” càng đẩy doanh nghiệp vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Không sản xuất thì công nhân bị mất việc, còn tiếp tục duy trì thì doanh nghiệp phải “còng lưng” gánh thêm hàng loạt các chi phí phát sinh mà không có khoản lợi nhuận nào có thể bù đắp nổi!
Đối mặt với thua lỗ!
Đối với ngành sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp tuy duy trì được sự phát triển nhưng đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực kinh tế nhà nước giảm 3,2%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,8%. Hiện giá dầu thô giảm sâu cùng với nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh từ 30 đến 40% nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhất là lượng hàng tồn kho nhiều. Vì vậy, nhà máy chỉ sản xuất đủ lượng tiêu thụ, hạn chế dự trữ trong kho.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp FDI, ngành dệt may, điện tử, giày da thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào do chủ yếu nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Vì thế, thời gian qua, các doanh nghiệp này chỉ sản xuất cầm chừng nhờ vào nguồn dự trữ nguyên phụ liệu của năm 2019. Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu bị ngưng trệ sản xuất và giảm tiêu thụ như tinh bột sắn, thủy sản chế biến, dăm gỗ nguyên liệu giấy…
Không chỉ một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 lan rộng mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu cũng rơi vào tình trạng tương tự. Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tinh bột sắn, bởi thị trường Trung Quốc đóng cửa. APFCO hiện có 15 nhà máy tinh bột sắn trong và ngoài nước, hằng năm sản xuất 400 - 420 nghìn tấn tinh bột sắn; tiêu thụ củ sắn tươi của nông dân từ 1,4 - 1,5 triệu tấn/năm.
Trong đó, tại Quảng Ngãi sản xuất khoảng 60 nghìn tấn/năm, tiêu thụ 200 nghìn tấn sắn tươi cho nông dân. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm tinh bột sắn chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 70%), còn lại là các thị trường Đài Loan, Nhật Bản và nội địa. Gần 2 tháng qua, công ty chỉ xuất bán khoảng 30% sản lượng đến các thị trường ngoài Trung Quốc. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, APFCO chỉ sản xuất khoảng 70% công suất, trong khi hiện nay các nhà máy của công ty đều trong thời điểm chính vụ nguyên liệu.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ngãi cấp bách gỡ khó cho doanh nghiệp
05:00, 27/04/2020
Quảng Ngãi: Rút ngắn khoảng cách, thu hút đầu tư
10:03, 26/04/2020
Quảng Ngãi: Mạnh dạn đổi mới cách giải quyết thủ tục hành chính về đất đai
06:00, 23/04/2020
Quảng Ngãi đồng hành cùng BSR vượt “bão kép”
12:13, 21/04/2020
Tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ngãi đăng ký thành lập mới giảm 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động lại tăng 26,2%. Điều đáng lo ngại, từ đầu tháng 4 đến nay, một số doanh nghiệp tạm thời cho nghỉ việc gần 4.460 lao động và hơn 1.400 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, số lượng lớn lao động, chuyên gia nước ngoài không thể trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, dự án dẫn đến hoạt động của các nhà máy sản xuất bị ngưng trệ, việc thi công các dự án bị gián đoạn, chậm tiến độ đề ra, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và có điều kiện duy trì ổn định sản xuất, Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi cần có ngay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, hạ lãi suất, giảm, miễn và gia hạn nộp thuế, tiền điện trong thời gian dự trữ hàng hóa…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với mục tiêu vừa thực hiện các biện pháp chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và an sinh xã hội.
Đối với cơ chế, chính sách, giải pháp chung, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành, địa phương đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền về chính sách giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, chi phí liên quan đến người lao động, cắt giảm chi phí logistics.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ kết nối mặt hàng nông sản xuất khẩu với thị trường Trung Quốc và tìm kiếm, giới thiệu các thị trường khác ngoài Trung Quốc để tiêu thụ các mặt hàng này, giảm bớt sự bấp bênh do phụ thuộc vào một thị trường; chủ động, can thiệp vào hệ thống các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp logistics, các hiệp hội, tập đoàn bán lẻ… hỗ trợ thu mua, bảo quản, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.
Ông Võ Đình Trà – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất sau đại dịch COVID-19. Do đó đây là đối tượng cần phải được ưu tiên quan tâm hỗ trợ.
Ông Trà cho biết, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh các cơ chế tập trung hỗ trợ cho chuỗi chế biến xuất khẩu để tiêu thụ nông sản cho nông dân, vừa giúp doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện hoạt động trở lại, cũng như tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nhu cầu trong nước khi thị trường thế giới vẫn chưa sẵn sàng mở cửa trở lại để nhập thiết bị, máy móc.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời nhanh chóng thông qua các gói chính sách áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác như miễn tiền thuê đất, cho vay trả nợ lương công nhân, giãn và miễn thuế...
Đối với những khó khăn, vướng mắc của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 để hỗ trợ và ổn định thị trường cho các nhà máy lọc dầu trong nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho biết, nhà máy lọc dầu Dung Quất có ý nghĩa quan trọng với kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi. Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đang có tiến triển tốt, cộng thêm OPEC+ đã thống nhất cắt giảm sản lượng dầu nên kinh tế có dấu hiệu trở lại bình thường.
Vậy nên, Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải hoạt động liên tục, ổn định, không được nghĩ đến phương án dừng nhà máy; tính toán lại các giải pháp để có hiệu quả chung cho cả năm 2020. UBND tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng Công ty CP lọc hoá dầu Bình Sơn tháo gỡ các khó khăn.
Với việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vượt khó cùng doanh nghiệp, hy vọng doanh nghiệp Quảng Ngãi sẽ sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.