Hưng Yên giải quyết điểm nghẽn trên đường đua PCI

Lê Trang - Việt Nga 15/04/2021 15:03

Sáng 15/4, VCCI phối hợp với USAID tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020. Tỉnh Hưng Yên đã tăng hai bậc, lên vị trí thứ 53 trên bảng xếp hạng

Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giáp Thủ đô Hà Nội, để phát huy tiềm năng lợi thế trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, cải cách hành chính trên nhiều phương diện, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… thu được nhiều kết quả tích cực, nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Canon, Khu công nghiệp Phố Nối A.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Canon, Khu công nghiệp Phố Nối A.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Hiện tỉnh Hưng Yên có 10 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 2.500 ha đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Hiện có bảy khu công nghiệp đi vào hoạt động tiếp nhận 435 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư hơn 25 nghìn tỷ đồng và 4 tỷ USD; trong đó, Khu công nghiệp Phố Nối A, khu công nghiệp dệt may, khu công nghiệp Thăng Long II đã cơ bản lấp đầy. Điển hình nhất là khu công nghiệp Thăng Long II, đây là khu công nghiệp hình mẫu của tỉnh Hưng Yên, có diện tích khoảng 345 ha, được lấp đầy bởi gần 100 dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD. Khu công nghiệp Thăng Long II được đầu tư xây dựng bài bản, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuận hiện đại, công nghệ xử lý nước thải tiên tiến. Phần lớn các dự án đầu tư trong khu công nghiệp Thăng Long II có công nghệ tiến tiến, công nghệ cao, như: Dự án sản xuất máy điều hòa nhiệt độ của Công ty Cổ phần Daikin Air conditioning Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký hơn 82 triệu USD; dự án sản xuất thiết bị vệ sinh và các phục kiện của Công ty TNHH Toto Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký 281 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in dùng cho các thiết bị điện tử, vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD…

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, xác định Hưng Yên sẽ tiếp tục thực hiện các khâu đột phá Trung ương đề ra, đồng thời đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá: Thực hiện quy hoạch tỉnh, tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch, ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách Nhà nước.

Tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hưng Yên, nơi cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ ba, mức độ bốn, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính của 15 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Hưng Yên và một số cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh. Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, là bước đi đột phá trong công tác cải cách TTHC ở tỉnh Hưng Yên, thể hiện ở ba phương diện: thái độ tích cực của chính quyền tỉnh đối với doanh nghiệp, sự cởi mở của chính quyền tỉnh đối với doanh nghiệp, khả năng phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy chính quyền trong việc giải quyết các công việc liên quan đến phục vụ doanh nghiệp.

Việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển công nghiệp, cải cách hành chính, TTHC, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư… đã tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2020, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 259 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.428 triệu USD và 201 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 26.792 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung tại 7 khu công nghiệp là KCN Phố Nối A, KCN Thăng Long II, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Minh Đức, KCN Yên Mỹ II, KCN Yên Mỹ và KCN Minh Quang. Các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh danh tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp vào thu nội địa ngân sách tỉnh năm 2020 là 2.370 tỷ đồng, chiếm 18.3% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển

Theo kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh Hưng Yên đã có những tiến bộ so năm trước. Tổng điểm số đạt 62,23 điểm, xếp hạng 53 so cả nước tăng hai bậc so năm 2019. Trong đó, có sáu chỉ số tăng điểm, cao nhất là chỉ số chi phí thời gian đạt 8.24 điểm, chỉ số gia nhập thị trường đạt 7.81 điểm, hay Chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 7.64 điểm…

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần nhựa Hưng Yên, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần nhựa Hưng Yên, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Tuy nhiên, có một số chỉ số giảm điểm so năm 2019 như Chỉ số tiếp cận đất đai hay Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Lý giải sự giảm điểm này, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn cho rằng, tỉnh Hưng Yên có chủ trương không tiếp nhận dự án đầu tư rời lẻ, nằm ngoài khu, cụm công nghiệp; trong trường hợp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phải là những khu đất nằm xen kẹp giữa các dự án đầu tư trước khi có chủ trương này, nên việc xem xét, tiếp nhận các dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp rất thận trọng, thời gian cũng dài hơn nhiều so với các dự án đầu tư vào khu cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch. Hưng Yên có rất nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và phê duyệt quy hoạch cũng mất nhiều thời gian nên chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng đối với dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn do bình quân ruộng đất trên đầu người thấp (khoảng hơn sào/khẩu), thu nhập từ sản xuất nông nghiệp khá cao nên việc thỏa thuận đền bù, hỗ trợ cho người dân “mất” đất thường kéo dài thời gian; việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về cơ chế, giữa các Luật còn chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, Đặng Ngọc Quỳnh cho biết, tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh cải các hành chính, thủ tục hành chính; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là các giải pháp nâng cao chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp. Hoàn thành thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư khu công nghiệp (KCN) số 1, KCN số 2, KCN số 3 thuộc KCN đô thị-dịch vụ Lý Thường Kiệt rộng khoảng 3.000 ha (KCN đô thị - dịch vụ Lý Thường Kiệt có tám khu công nghiệp, cảng thông quan nội địa, dịch vụ Logistic và khu đô thị sinh thái, nhà ở cho công nhân). Hoàn thành thủ tục mở rộng KCN Thăng Long II giai đoạn 3 lên 550 ha, KCN Yên Mỹ II, và các cụm công nghiệp để tiếp nhận các dự án đầu tư trong và ngoài nước; nhất là các dự án của doanh nghiệp Nhật Bản, dự án sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, dự án tạo nhiều việc làm có thu nhập cao, đóng góp lớn cho ngân sách…

Đây là khâu đột phá để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh Hưng Yên trong nhiều năm tới. Hoàn thành các thủ tục cần thiết để thi công giai đoạn II đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và hạng mục cầu vượt nút giao Quốc lộ 39; đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai 3,5 và vành đai 4. Đẩy nhanh tiến độ thành lập, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tích cực thu hút doanh nghiệp vào các KCN, cụm công nghiệp. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện các dự án đầu tư, nhất là tiến độ đầu tư và giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ định hướng chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử…

Có thể bạn quan tâm

  • Hưng Yên hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số

    Hưng Yên hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số

    16:07, 30/03/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung 2 KCN vào Quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hưng Yên

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung 2 KCN vào Quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hưng Yên

    18:00, 30/12/2020

  • Hưng Yên: Đưa nhãn lồng thành sản phẩm 5 sao

    Hưng Yên: Đưa nhãn lồng thành sản phẩm 5 sao

    19:14, 08/04/2020

  • Hưng Yên: Bước tiến mới trong thu hút đầu tư

    Hưng Yên: Bước tiến mới trong thu hút đầu tư

    00:00, 04/01/2020

Lê Trang - Việt Nga