Hiện tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ước khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt trên 100.000 tỷ đồng.
Việc phát huy lợi thế vị trí đắc địa, nguồn tài nguyên dồi dào cùng sự cầu thị, năng động, thân thiện của chính quyền tỉnh đã giúp bức tranh thu hút đầu tư vào Hưng Yên thời gian gần đây có nhiều "gam màu sáng", dự án đầu tư tăng cả về lượng lẫn chất. Đây là chia sẻ của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh - ông TRỊNH VĂN DIỄN với DĐDN.
- Ông có thể cho biết cụ thể về tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh?
Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và thành công trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng đưa tổng sản phẩm (GRDP) tăng hơn 9,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,2 tỷ USD.
Đặc biệt, các khu công nghiệp nước ngoài đầu tư vào Hưng Yên đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tính đến 20/5/2019, toàn tỉnh có 438 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4,5 tỷ USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 17 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 167 triệu USD.
Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Nhật Bản có 159 dự án, vốn đăng ký hơn 2.957 triệu USD, chiếm 65,07% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc có 131 dự án, vốn đăng ký 651 triệu USD, chiếm 14,33% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 89 dự án, vốn đăng ký hơn 460 triệu USD, chiếm 10,13% tổng số vốn đăng ký.
Có được những kết quả như vậy là nhờ tỉnh chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát huy tính năng động của chính quyền địa phương trong việc trong việc thu hút đầu tư. Đặc biệt, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của tỉnh theo quy định của pháp luật, nhưng cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất trong việc thực thi các chính sách ưu đãi.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Hưng Yên, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC); tích cực triển khai các giải pháp thiết thực để hỗ trợ, cùng nhau giải quyết vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư.
Với phương châm "một cửa, tại chỗ", thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế, Công an tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và con dấu.
Trong thu hút đầu tư, tỉnh luôn quan tâm đến những dự án thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, không chạy theo số lượng. Hưng Yên đặc biệt coi trọng việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư, luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng của sự phát triển; thành công của các doanh nghiệp chính là sự thành công của tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn hiện nay.
- Đến nay Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh Hưng Yên đã chính thức đi vào vận hành. Ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Trung tâm cùng với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã?
Bước đột phá trong công tác cải các hành chính của tỉnh Hưng Yên là ứng dụng và triển khai đồng bộ trong cơ quan UBND, các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND phường, xã phần mềm Văn phòng điện tử. Hiện nay 100% văn bản xử lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố và các phòng, ban, đơn vị thuộc thành phố và UBND phường, xã đều được triển khai trên phần mềm.
Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2018/ QĐ-UBND về Quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; có 25 cơ quan, đơn vị ở cả 3 cấp hành chính đã triển khai thực hiện mô hình một cửa hiện đại và đang thực hiện nhân rộng mô hình đến tất cả các cơ quan hành chính các cấp trên phạm vi toàn Tỉnh.
Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã giải quyết theo cơ chế một cửa là 1.915 thủ tục, trong tổng số 2.339 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên địa bàn tỉnh. 42 thủ tục và 2 nhóm thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông...
Nhờ có những cải cách môi trường đầu tư thuận lợi nên Hưng Yên đã ngày càng thu hút được nhiều dự án đầu tư chú trọng vào công nghiệp. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, các dự án đầu tư tập trung các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp linh kiện điện, điện tử; sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt may và các sản phẩm phụ trợ ngành ô tô xe máy và dệt may.
Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Dự án nhà máy sản xuất khuôn đúc, sản phẩm đúc của Công ty TNHH khuôn đúc Tsukuba Việt Nam và dự án nhà máy công nghiệp hỗ trợ Ecotech Hưng Yên của Công ty cổ phần Ecotech Hưng Yên; Dự án Regina Miracle Internationnal Hưng Yên của Regina Miracle Internationnal (Viet Nam) Limited.
100% văn bản xử lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính tại Hưng Yên đều được triển khai trên phần mềm.
Qua đánh giá của Ban Quản lý các KCN Tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được trong thu hút dự án FDI, thời gian qua, chủ đầu tư hạ tầng các KCN trên địa bàn Tỉnh… đã nỗ lực đầu tư để tiếp tục xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN trên phần diện tích quy hoạch, bảo đảm đầy đủ mặt bằng sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư.
- Ông có thể cho biết định hướng thu hút đầu tư của Hưng Yên trong năm 2020?
Thời gian tới Hưng Yên tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh và thế mạnh của địa phương, xác định phát triển công nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm của địa phương.
Hưng Yên sẽ rà soát các khu cụm công nghiệp; xây dựng lại danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư, có sắp xếp thứ tự ưu tiên gắn với các chính sách hỗ trợ đầu tư đối với từng nhóm, chú trọng tìm kiếm, vận động, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; các dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách và thân thiện với môi trường.
Khuyến khích liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ thành các cụm, nhóm cơ sở để tăng khả năng huy động vốn phát triển thành mạng lưới vệ tinh cho các ngành công nghiệp của tỉnh. Thực hiện cơ chế phối hợp, gắn kết giữa các doanh nghiệp với các trường đại học, trung tâm đào tạo nghề và thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các hoạt động đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.
Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất… Bằng các giải pháp đồng bộ, nhất là tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, tin rằng Hưng Yên sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về phát triển công nghiệp Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18 đề ra, sớm trở thành tỉnh công nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông!