Tiền Giang: Đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Trên cơ sở những định hướng đề ra, Tiền Giang đang quyết tâm thực hiện các công trình giao thông quan trọng, tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI. Trên cơ sở những định hướng đề ra, Tiền Giang đang quyết tâm thực hiện các công trình giao thông quan trọng, tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ bức tranh kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong năm 2020, một trong những điểm nổi bật là tỉnh đã thực hiện tốt vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đến nay, dự án đã hoàn thành mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bước sang năm 2021, Tiền Giang quyết tâm, nỗ lực cùng Doanh nghiệp dự án đưa tuyến đường này vào sử dụng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (Ban QLDA), nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đảm bảo sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng, phục vụ sản xuất và đời sống, hiện đơn vị đang phối hợp chặt chẽ cùng doanh nghiệp dự án thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tập trung nhân lực và phương tiện, thiết bị khẩn trương thi công; xây dựng kế hoạch thi công tổng thể của dự án cũng như chi tiết của từng gói thầu làm cơ sở quản lý thúc đẩy tiến độ, chất lượng dự án; kiểm tra, rà soát và kịp thời đưa ra các biện pháp giải quyết, khắc phục những nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công trên công trường…
Hiện Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai thực hiện 32/34 gói thầu sử dụng vốn BOT, 2 gói thầu còn lại là trạm thu phí và ITS sẽ tiếp tục triển khai theo tiến độ. Qua các đợt kiểm tra, kiểm định thì các hạng mục đều đạt yêu cầu theo chỉ dẫn kỹ thuật của Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nhìn chung, đến nay, chất lượng thi công các gói thầu đã được doanh nghiệp dự án và các nhà thầu triển khai thi công đạt yêu cầu, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, với vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang hàng tuần đều xây dựng lịch kiểm tra hiện trường nhằm chỉ đạo giải quyết, khắc phục vướng mắc ngay tại chỗ cũng như động viên các đơn vị và lực lượng thi công, công nhân, kỹ sư phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ban Quản lý dự án phối hợp cùng các ngành hữu quan, doanh nghiệp dự án… quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ công trình đồng thời với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng.
Và những dự án kết nối liên vùng
Nằm ở vị trí cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng, đặc biệt là hệ thống giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Nhiều dự án giao thông kết nối liên vùng đi qua địa phận tỉnh đã và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, trong năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai Dự án Cầu Rạch Miễu 2 đi qua địa phận huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).
Ngoài ra, theo hồ sơ thiết kế, một phần Đường tỉnh 870 (đoạn từ ngã tư Đồng Tâm đến sông Tiền) sẽ mở rộng đến 4 làn xe, quy mô tương tự Quốc lộ 60. Dự kiến, khoảng tháng 6 hoặc tháng 9/2021 sẽ khởi công cầu Rạch Miễu 2. Ngoài ra, tới đây Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai tuyến đường ven biển kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây và sẽ đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang.
Trên thực tế, tỉnh Tiền Giang đang đề ra những giải pháp hữu hiệu huy động ở mức cao nhất các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt như: hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, huy động tham gia của các doanh nghiệp thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đầu tư.
Đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, bên cạnh việc đề nghị HĐND, UBND tỉnh tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư cho những công trình giao thông trọng điểm, sẽ phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, bố trí đủ nguồn lực đầu tư, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả, tạo ra đột phá lớn, tránh đầu tư dàn trải.
Ông Bon khẳng định: “Hạ tầng giao thông của Tiền GIang đang cần rất nhiều nguồn lực đầu tư. Vì vậy huy động nguồn lực ngoài Nhà nước để triển khai các công trình trọng điểm là yêu cầu cấp thiết. Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đổi mới trong phương thức đầu tư với hình thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP); chủ động tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song với đó là thực hiện cơ cấu lại đầu tư, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tập trung vốn cho các dự án động lực, có sức lan tỏa lớn”.
Có thể bạn quan tâm
Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử
11:00, 26/04/2021
Động lực mới cho Tiền Giang
01:33, 13/02/2021
Khơi thông dòng vốn đầu tư vào Tiền Giang
04:30, 06/01/2021
Tiền Giang đổi mới mô hình tăng trưởng
14:23, 11/12/2020
Tiền Giang có tân Chủ tịch UBND tỉnh
11:00, 11/12/2020