Tiền Giang sẽ thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế- xã hội – Đây là trao đổi của ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang với DĐDN.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, để ứng phó với những tác động của tiêu cực của dịch COVID-19 và hạn, mặn trong năm 2020, hoạt động điều hành của tỉnh đã có những điều chỉnh linh hoạt và sáng tạo để tạo sự ổn định và phát triển.
- Với các giải pháp đồng bộ và thực thi hiệu quả, Tiền Giang đang trở thành điểm đến có sức hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông, đâu là nền tảng tạo dư địa phát triển cho Tiền Giang trong năm 2021 và những năm tiếp theo?
Năm 2020 tỉnh có thêm 773 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,1% so với thực hiện năm 2019, tổng vốn đăng ký 6.000 tỷ đồng, là năm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay. Trong thu hút đầu tư, cả năm tỉnh thu hút được 37 dự án với tổng vốn đầu đăng ký đạt 17.779 tỷ đồng, tăng cả về số lượng dự án (tăng 11 dự án) và số vốn đăng ký (tăng 33% so với năm 2019). Ngoài ra, có 11 dự án đăng ký tăng vốn (tăng 3 dự án), vốn đăng ký bổ sung 1.110 tỷ đồng (tăng 36% so năm 2019). Giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao hơn nhiều so cùng kỳ, đến ngày 25/12/2020, tỷ lệ giải ngân đạt 91%, trong đó vốn ngân sách địa phương gần đạt 100% kế hoạch năm.
Đặc biệt, mới đây cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến và dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2021. Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, hình thành tuyến đường cao tốc TP HCM - Cần Thơ và tiếp tục triển khai đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy hoạch để giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.
Bên cạnh đó, dự án "Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2" qua tỉnh Tiền Giang với tổng vốn là 1.335 tỉ đồng đã được phê duyệt, dự kiến khởi công vào năm 2021 và hoàn thành trong năm 2023.
- Xin ông cho biết mục tiêu của Tiền Giang trong năm 2021?
Với nền tảng đã có, năm 2021, Tiền Giang sẽ huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,0 - 7,0%.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư. Đồng thời, tỉnh thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cấu trúc ngành công nghiệp, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ gắn với 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh. Trung tâm Phục vụ hành chính công gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính quyền số sẽ được khai thác hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển hộ kinh doanh hoạt động theo hình thức doanh nghiệp…
- Về lâu dài, với mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xin ông cho biết giải pháp mang tính đột phá?
Tỉnh đã đề ra 3 khâu đột phá để thực hiện trong nhiệm kỳ là: Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực, nhất là tập trung mời gọi các nhà máy chế biến trái cây (Tiền Giang là tỉnh có sản lượng trái cây lớn nhất quốc gia) nhằm giải quyết tình trạng tiêu thụ trái cây hiện nay, từ đó giúp người trồng cây ăn trái tiến tới đời sống khá giả, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững; Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo phục vụ yêu cầu sản xuất và dân sinh; Phát triển nhân nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm