TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch điện VIII chính thức được ban hành
Sau nhiều tháng mong mỏi, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) chính thức được ban hành.
>>17/05: Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp, tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Quan điểm phát triển
Quy hoạch được xây dựng với quan điểm phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các cam kết quốc tế.
Với quan điểm điện là ngành hạ tầng quan trọng, vì vậy phát triển điện lực phải đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể từ nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả đến giá điện. Mục tiêu đảm bảo chi phí hệ thống điện thấp nhất, giá điện hợp lý nhất.
Dựa trên cơ sở coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng. Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền. Phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện. Chú trọng phát triển các nguồn điện phân tán để giảm đầu tư hạ tầng đấu nối, giảm truyền tải, giảm tổn thất điện năng.
Mục tiêu
>>Quy hoạch điện VIII dự kiến trình Thủ tướng vào trung tuần tháng 5
Quy hoạch điện VIII xác định mục tiêu, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cũng cấp đủ điện và ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh, phù hợp với nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.
Quy hoạch điện VIII đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; Điện thương phẩm vào năm 2025 đạt khoảng 335,0 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 505,2 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.114,1-1.254,6 tỷ kWh.
Về cơ cấu nguồn điện, đến năm 2030: Việt Nam phấn đấu đưa tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước 158.244 MW (không bao gồm xuất khẩu), trong đó: Thủy điện 29.346 MW (18,5%); Nhiệt điện than 30.127 MW (19,0%); Nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW (9,4%); Nhiệt điện LNG 22.400 MW (14,2%); Điện gió trên bờ 21.880 MW (13,8%); Điện gió ngoài khơi 6.000 MW (3,8%); Điện mặt trời 20.591 MW (13%), trong đó điện mặt trời tự sản, tự tiêu dự kiến 2.600 MW, được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất; Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 2.270 MW (1,4%), có thể phát triển cao hơn nếu đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, hạ tầng điện sẵn sàng, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý; Điện đồng phát, sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp 2.700 MW, quy mô có thể tăng thêm phù hợp với khả năng của các cơ sở công nghiệp; Nguồn điện linh hoạt 300 MW (0,2%);
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII ưu tiên đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP) được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030.
Theo Quy hoạch điện VIII, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.
Với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; Tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát kỹ các quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Có thể bạn quan tâm
17/05: Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp, tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”
14:00, 08/05/2023
Các tổ chức quốc tế đề nghị Việt Nam sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII
10:00, 05/05/2023
Gia Lai đề xuất đưa 135 dự án năng lượng tái tạo vào quy hoạch điện VIII
01:11, 23/11/2022
Sau khi rà soát, Quy hoạch điện VIII được trình lại
02:00, 16/11/2022
Điện mặt trời mái nhà, cần ban hành chính sách đột phá để phát triển
05:00, 06/05/2023