Pháp nhân thương mại phạm tội (Bài 4): Góc nhìn pháp lý từ vụ bia Sài Gòn Việt Nam
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là một chế định mới được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS).
Theo đó, pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong hơn 30 tội danh được quy định tại Điều 76 BLHS, bao gồm một số tội phạm về kinh tế, tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, quyền sở hữu trí tuệ.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có quyết định khởi tố vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 226 BLHS. Cơ quan này cũng đã ban hành Quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân là Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê chuẩn.
Có thể nói đây là một trong số các vụ án hình sự đầu tiên về việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Trước đó, đầu năm 2020, các cơ quan tiến hành tố tụng tại tỉnh Phú Thọ cũng đã khởi tố, truy tố và xét xử vụ “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp – Nhà máy nhôm Việt Pháp và giám đốc công ty về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là xâm phạm nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp SHAL” đã được Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp SHAL đăng ký bảo hộ.
Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 BLHS, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 226 BLHS về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Liên quan đến vụ BIA SAI GON VIET NAM, pháp nhân thương mại đang bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự là bị can Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam. Theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 85/QĐKTVA-CSKT ngày 09/9/2020 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, “việc Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam hợp tác với cơ sở sản xuất Bia Bi Va để sản xuất bia mang nhãn hiệu BIA SAI GON VIET NAM bán ra thị trường với quy mô thương mại, có kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn với nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu BIA SÀI GÒN đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn”, “có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Khoản 2, Điều 226 Bộ luật Hình sự”.
Khoản 2 Điều 75 BLHS cũng quy định rõ việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Pháp nhân, dù là một thực thể pháp lý độc lập nhưng giao dịch của pháp nhân vẫn phải thông qua người đại diện hợp pháp của nó. Do đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân liên quan, có thể là giám đốc công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty, người quản lý công ty,... với vai trò đồng phạm, tùy theo hành vi, vai trò của những người này trong vụ án. Hiện nay, liên quan đến vụ BIA SAI GON VIET NAM, chưa có thông tin về việc khởi tố bị can với vai trò đồng phạm đối với cá nhân, pháp nhân khác.
Hình phạt nào cho pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?
Pháp nhân thương mại là một “thực thể pháp lý”, không phải là một con người, cá nhân cụ thể nên không thể “bỏ tù” một pháp nhân thương mại. Do đó, hình phạt cho pháp nhân thương mại phạm tội không có hình phạt tù. Thay vào đó, theo các quy định tại Điều 77 đến Điều 81 BLHS, pháp nhân thương mại có thể chịu một trong các hình phạt sau đây: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn. Trong đó, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội; mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 226 BLHS, nếu pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng.
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội theo khoản 2 Điều 226 BLHS, chẳng hạn như: phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên; hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm. Trong vụ án BIA SAI GON VIET NAM, Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đang bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh và khung hình phạt này.
Dù vậy, pháp nhân thương mại phạm tội vẫn có thể được áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 84 BLHS như: Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.
Trên đây là một vài khía cạnh pháp lý liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội và việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội với tội danh cụ thể về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, nhìn tự vụ án BIA SAI GON VIET NAM.
Hiện nay vụ án vẫn đang được điều tra làm rõ và theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hình sự Việt Nam, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam có bị coi là có tội hay không và hình phạt cụ thể là gì; vụ án có đồng phạm là cá nhân, pháp nhân khác hay không thì vẫn phải chờ các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục điều tra, làm rõ và có quyết định, bản án có hiệu lực cuối cùng.
Có thể bạn quan tâm