Pháp nhân thương mại phạm tội (Bài 3): “Quản trị tốt sẽ giúp CEO loại bỏ rủi ro!”

Diendandoanhnghiep.vn Đó là khẳng định của Luật sư NGUYỄN VĂN LỘC - Chủ tịch Hãng Luật LPVN (LPVN Law Firm) với DĐDN về vấn đề “pháp nhân thương mại phạm tội”.

Theo ông Lộc, mới đây, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố bị can đối với Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" chỉ là... “bề nổi trong tảng băng” vì trong những năm trở lại đây không ít các doanh nhân và nhà quản lý doanh nghiệp vướng rủi ro hình sự. Lý do phần lớn do họ thiếu hiểu biết kiến thức về luật pháp hoặc do mất kiểm soát trong hệ thống quản trị doanh nghiệp.

- Thưa LS, các quy chế - quy trình về pháp lý và kiểm soát tuân thủ mà CEO cần làm bao gồm những gì?

Quốc gia có luật pháp thì doanh nghiệp có quy chế riêng và gia đình có gia quy “Hành lang luật lệ” ở trong một doanh nghiệp thường do người chủ sở hữu (Đại hội đồng cổ đông trong Công ty cổ phần hay Hội đồng thành viên trong Cty TNHH) ấn định trong quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp.

Việc thiết kế một quy trình – quy chế về quản trị rủi ro pháp lý và kiểm soát tuân thủ cần đặt trong bối cảnh môi trường kinh doanh và nguồn lực của doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu kinh doanh. Một số doanh nghiệp khi đủ nguồn lực thường lập Phòng Pháp lý và Tuân thủ. Phòng ban này thường phụ trách các công việc tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp và đôi khi là kiểm soát tuân thủ, thu hồi công nợ, quan hệ chính phủ và tư vấn liên quan đến thuế - kế toán.

- Các vi phạm ở mức độ hình sự nào phổ biến mà các ông chủ doanh nghiệp Việt thường gặp phải hiện nay, thưa LS?

Một số sai phạm dẫn đến người làm ăn phải chịu trách nhiệm hình sự như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, mua bán hóa đơn, sản xuất hoặc buôn bán hàng giả, buôn lậu… Các hành vi phổ biến trước đây như trốn đóng bảo hiểm, sai phạm về thuế - hóa đơn chứng từ, kinh doanh đa cấp, xâm phạm tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong bối cảnh hội nhập sâu hiện nay, một số hành vi vi phạm mới đang và có thể sẽ diễn ra như vi phạm liên quan đến ứng dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, lừa đảo đa cấp, rửa tiền, trốn thuế hay lừa đảo xuyên biên giới.

- Vậy các chủ doanh nghiệp sẽ được giảm trừ khi họ “không biết” những vi phạm của nhân viên, thưa LS?

Quy định mới về “pháp nhân thương mại phạm tội” theo BLHS 2015 đã “vạch ra” hành lang pháp lý về hình sự cho các vi phạm mà doanh nghiệp, cá nhân phải gánh chịu nếu làm ăn sai trái. Nếu chủ doanh nghiệp không thiết lập một cơ chế quản trị tốt cho doanh nghiệp, không định rõ quy chế về quyền miễn trừ trách nhiệm và đảm bảo tính tuân thủ trong toàn doanh nghiệp, họ sẽ phải chấp nhận gánh lấy hậu quả khi có cơ sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh làm việc với các đơn vị có liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với các đơn vị có liên quan đến vụ án hình sự “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với nhãn hiệu BIA SAIGON 

- Ông từng làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia và sau đó tư vấn cho nhiều giao dịch trong và ngoài nước, ông nhận thấy họ quản trị tuân thủ thế nào?

Các doanh nghiệp đến từ các quốc gia phát triển họ chú trọng công tác quản trị pháp lý và tuân thủ hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng chiến lược quản trị rủi ro pháp lý hay cơ chế ứng dụng sự hiểu biết pháp luật để tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí đúng luật. Trong khi đó, đa phần các tập đoàn đa quốc gia thường chú trọng vấn đề về thuế, chính sách ưu đãi, cắt giảm chi phí hợp lý – hợp pháp.

Lấy ví dụ, các doanh nghiệp đa quốc gia chú trọng áp dụng mô hình quản trị rủi ro đặc thù cho ngành nghề mình kinh doanh và linh hoạt tùy vào sự thay đổi chính sách của quốc gia đó. Họ thường kết hợp với quy chế về đạo đức kinh doanh để các quyết sách về pháp lý – tuân thủ trong mối quan hệ mật thiết với thị trường và chiến lược vào từng thời điểm.

- Doanh nghiệp trong nước đa phần là SME, họ chưa có đủ chi phí cho việc mời tư vấn, ông có lời khuyên gì cho họ?

Trong cuốn sách “Pháp lý trong kinh doanh” tôi đã đưa ra khảo sát rằng đa phần doanh nghiệp tại Việt Nam chưa xác định “chi phí pháp lý” là chi phí cố định trong cơ cấu tài chính của doanh nghiệp. Các tranh chấp pháp lý và rủi ro do không kiểm soát tốt đều dẫn đến các hệ quả xấu, nhẹ thì phải bồi thường, mất uy tín kinh doanh, nặng thì phải chịu tổn thất tài chính không thể cứu vãn hoặc tù tội. Việc quản trị tốt với cơ chế kiểm soát tuân thủ tốt sẽ giảm được phần nào rủi ro, từ đó giảm chi phí rủi ro pháp lý.

CEO luôn phải đặt câu hỏi đối với cấp dưới: “Loại bỏ rủi ro hình sự, chúng ta cần làm gì?” – như một trong những cách “phòng bệnh” để kiểm soát trên toàn hệ thống và kim chỉ nam trong các quyết sách kinh doanh.

- Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp cần làm gì để quản trị rủi ro pháp lý?

Theo Công ty luật LPVN, có bốn bước cơ bản các chủ doanh nghiệp có thể tham khảo để xây dựng quy trình quản trị rủi ro pháp lý và tuân thủ nội bộ.

Bước 1: Định vị rủi ro

Tiến hành rà soát lại toàn bộ chính sách, quy trình, quy chế, các văn bản, chứng từ... thuộc hồ sơ pháp lý doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần phân biệt về rủi ro pháp lý và rủi ro tuân thủ nhằm thiết lập các phòng ban phù hợp theo quy mô của mỗi công ty.

Bước 2: Thiết lập quy trình

Doanh nghiệp cần soạn thảo các quy trình liên quan đến từng hoạt động của công ty và có sự thống nhất theo quy chuẩn nào đó, ví dụ ISO... và được thông qua bởi người có thẩm quyền để công bố cho toàn công ty. Các điều khoản về Quyền miễn trừ cần được lồng ghép vào các quy định này.

Bước 3: Cam kết nhân sự

Ở các phòng ban hoặc nhân sự chủ chốt, ví dụ như phòng tài chính, kế toán trưởng...cần có những cam kết về trách nghiệm, bao gồm cam kết về tuân thủ pháp luật và tự chịu trách nghiệm. Các cam kết có thể thuộc quy chế phân quyền và giới hạn trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp.

Bước 4: Thực thi thống nhất

Việc ban hành quy trình và chính sách kinh doanh cần thể hiện qua các Công bố miễn trừ trách nhiệm gửi đến toàn bộ nhân sự và công khai tại nơi làm việc. Việc minh bạch hóa và tách bạch này sẽ bảo vệ cho doanh nghiệp tránh các rủi ro hình sự từ cá nhân và CEO.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Pháp nhân thương mại phạm tội (Bài 3): “Quản trị tốt sẽ giúp CEO loại bỏ rủi ro!” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714123859 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714123859 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10