Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 làm khó… nhà đầu tư

LS NGUYỄN HƯNG QUANG (*) 03/12/2020 15:00

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020 sẽ phải trình trong tháng 12 này để Chính phủ kịp ban hành trước thời điểm Luật có hiệu lực 1/1/2021.

Tuy nhiên, nhiều nội dung của Dự thảo vẫn bị cho là rắc rối và khó hiểu và làm khó nhà đầu tư. Những quy định này, nếu được áp dụng không chỉ “làm khó” doanh nghiệp khi kinh doanh mà xa hơn còn có thể làm môi trường kinh doanh Việt Nam… xấu đi khi cản đường doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh.

 Cần có quy định về vai trò của Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành liên quan về cơ chế phối hợp để giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế. (Doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: T. Hải

Cần có quy định về vai trò của Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành liên quan về cơ chế phối hợp để giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế. (Doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: T. Hải

Lại lo gánh nặng thủ tục

Các quy định về thủ tục hành chính có thể trở thành gánh nặng cho họ và phát sinh cơ chế xin cho. Ví như Điều 36 Dự thảo Nghị định: NĐT được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37.1 Luật Đầu tư 2020 được tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đăng ký nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định lại không nêu rõ việc nộp bản đăng ký tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có bắt buộc hay không. Nếu là nghĩa vụ bắt buộc thì đó là gánh nặng cho các nhà đầu tư.

Hay như khoản 1 Điều 33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục thay đổi tên dự án đầu tư, địa chỉ của nhà đầu tư hoặc thay đổi tên nhà đầu tư ghi rõ: Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định đã bỏ thủ tục này và áp dụng chung thời hạn điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 15 ngày. Điều này đi ngược lại với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Chính phủ.

Tiếp nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư phải thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định nào trong Luật Đầu tư hiện hành, Luật Đầu tư 2020 và Dự thảo Nghị định đề cập đến các ngoại lệ mà NĐT không yêu cầu phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính trong quá trình triển khai vận hành dự án.

Không có cơ chế giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư

Điểm đ khoản 2 Điều 69 Luật Đầu tư 2020 đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư có đặt ra trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc “xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư” (điểm đ). Vấn đề này cũng phù hợp với Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 có đặt ra một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “Xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư” và Chỉ thị 27/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.

Như vậy, có thể thấy trách nhiệm cần phải có một quy định của Chính phủ xác định trách nhiệm, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp để giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế. Đây cũng là các yêu cầu được nêu tại Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/04/2020 ban hành quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định chưa có bất kỳ một điều khoản nào hướng dẫn cụ thể về cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Việc không quy định nội dung này tại Dự thảo Nghị định lần này sẽ làm chậm lại quá trình xây dựng cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế trong khi nguy cơ về xảy ra các tranh chấp đầu tư quốc tế ngày một gia tăng.

Như vậy, Dự thảo Nghị định mới chỉ tập trung nhiều vào việc cải thiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư mà chưa quy định hay hướng dẫn những vấn đề cấp thiết đối với hoạt động đầu tư để tạo ra môi trường đầu tư có tính cạnh tranh, ổn định, công bằng và an toàn cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

(*)Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC)

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều bất cập trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành của Luật Đầu tư 2020

    Nhiều bất cập trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành của Luật Đầu tư 2020

    11:59, 21/11/2020

  • Luật Đầu tư 2020: Hoá giải nhiều chồng chéo trong thủ tục đầu tư

    Luật Đầu tư 2020: Hoá giải nhiều chồng chéo trong thủ tục đầu tư

    09:47, 10/07/2020

  • Luật Đầu tư 2020: Bệ đỡ vững chắc cho thu hút đầu tư

    Luật Đầu tư 2020: Bệ đỡ vững chắc cho thu hút đầu tư

    06:01, 22/06/2020

LS NGUYỄN HƯNG QUANG (*)