Hà Nội "hồi tố" gây bất lợi cho doanh nghiệp: Không đúng trình tự sẽ để lại tiền lệ xấu!
Luật sư Nguyễn Văn Hà – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh dự án bỏ qua ý kiến của cơ quan tham mưu và không có sự thống nhất giữa các bên liên quan sẽ trở thành tiền lệ xấu về sau.
Tiếp nối câu chuyện liên quan đến “hồi tố” quyết định giao đất gây bất lợi cho doanh nghiệp, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Văn Hà – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, mặc dù chưa khẳng định được đúng hay sai, tuy nhiên tham chiếu ý kiến của cơ quan tham mưu là Sở Tư pháp, rõ ràng quy trình đã được thực hiện không đúng.
- Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Bản thân Sở Tư pháp Hà Nội đã nhìn nhận ra rằng đây là một vụ việc liên quan đến chính nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án thực hiện theo quy định của hợp đồng BT với cơ quan nhà nước.
Do vậy, trình tự thủ tục để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong hợp đồng đó bắt buộc phải đàm phán thương thảo giữ 3 bên là UBND TP Hà Nội, Tổng công ty công trình giao thông 5 và Cienco 5 Land. Sau khi đàm phán thương thảo xong thì phải được sự đồng ý của tất cả các bên, ký phụ lục như Sở Tư pháp đã đề xuất.
Tức là, sau khi có phụ lục rồi mới có thể bắt đầu trình tự, thủ tục, quyết định có điều chỉnh hay không, điều chỉnh lại mức độ như thế nào, tính toán về tài chính và các phần công việc mà các bên đã làm, như thế mới đảm bảo tính chặt chẽ và đúng quy định của luật.
Thế nhưng, trong trường hợp này, phụ lục đã không được ký, UBND TP Hà Nội trực tiếp điều chỉnh, bỏ qua ý kiến của cơ quan tham mưu, việc này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land.
Xét hồ sơ, trong suốt quá trình 12 năm qua, toàn bộ tài chính kinh tế để thực hiện dự án được hình hài như bây giờ đều do Cienco 5 Land thực hiện hết. Vậy thì không có lý gì mà tự dưng chính quyền lại có thể "ngẫu hứng" sử dụng một biện pháp hành chính điều chỉnh không thỏa đáng như vậy.
- Vậy, theo quy định của pháp luật, các trường hợp nào được sửa, hủy quyết định hành chính đã ban hành thưa ông?
Về căn cứ để sửa đổi hoặc điều chỉnh một quyết định hành chính, phải xác định để rõ bản chất của quyết định đó.
Trường hợp doanh nghiệp được giao đất để thực hiện dự án, tuy nhiên, sau đó họ tách ra thành hai công ty hoặc giải thể hoặc sáp nhập... thì việc điều chỉnh là bắt buộc phải làm. Hay ví dụ liên quan đến liên quan đến thay đổi nguồn vốn, tăng giảm vốn, quy hoạch, thay đổi người đại diện pháp luật của doanh nghiệp....
Chung quy lại, việc điều chỉnh có thể thực hiện được đó là các hoạt động của doanh nghiệp có sự ghi nhận trong quyết định hành chính đến thời điểm hiện tại đang có sự thay đổi, cần điều chỉnh để phù hợp.
- Vậy, với quyết định giao đất cho cơ quan, tổ chức thực hiện dự án đầu tư, chính quyền được sửa quyết định trong trường hợp nào, thưa luật sư?
Trước tiên phải làm rõ việc sửa và điều chỉnh là hai khái niệm toàn toàn khác nhau.
Khi chúng ta sửa thường chỉ đến việc sửa lỗi kỹ thuật, việc sửa chỉ được thực hiện khi trong quá trình ban hành quyết định đó có những lỗi kỹ thuật như lỗi chính tả, không làm ảnh hưởng đến nội dung quyết định đó.
Còn đối với điều chỉnh sẽ làm thay đổi nội dung của quyết định, do đó phải đáp ứng những điều kiện nhất định, có ý kiến của cơ quan tham mưu, được các bên liên quan đồng ý, đề xuất mới có thể điều chỉnh được. Đặc biệt, với các điều chỉnh liên quan đến chủ đầu tư dự án, nếu chúng ta điều chỉnh theo hình thức là như lỗi kỹ thuật, bỏ qua các tham vấn của cơ quan tham mưu sẽ dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo, khởi kiện kéo dài.
Doanh nghiệp phải chờ đến tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm năm năm, mười năm sau mà không chắc bản án sẽ đứng về họ hay không, trong khi đó dự án tiếp tục bị đình trệ, các nhà đầu tư, khách hàng tiếp tục chôn vốn tại đấy.
Ngoài ra, phải nhấn mạnh rằng, đây không còn là câu chuyện riêng của Cienco 5 Land và dự án KĐT Thanh Hà mà còn là bài học cho các doanh nghiệp, các dự án hiện nay.
Các cơ quan quản lý nhà nước, những người quyết định sinh mệnh của các doanh nghiệp, khi ban hành quyết định hành chính cần phải đặt bản thân vào trường hợp ấy, nhìn nhận ở góc độ đa chiều, trên cơ sở đó có những biện pháp quản lý đảm bảo quyền lợi hài hòa Nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đặc biệt là quyền lợi của người dân, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Không có lý gì cơ quan quản lý nhà nước lại sử dụng một biện pháp hành chính để can thiệp sâu vào hoạt động liên quan đến kinh tế, kinh doanh, thương mại trong khi các hoạt động đó đang triển khai một góc độ rất tốt.
Hơn hết, việc "tự nhiên điều chỉnh" như vậy cũng sẽ dẫn đến những tiền lệ xấu về sau, cho các lợi ích nhóm "bắt tay" điều chỉnh quyết định, dẫn đến việc mua bán dự án một cách rất công khai ngoài thị trường.
Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội "hồi tố" gây bất lợi cho doanh nghiệp: “Chủ đầu tư” hay “nhà đầu tư” mới là “chủ” dự án?
11:01, 10/12/2020
Hà Nội "hồi tố" gây bất lợi cho doanh nghiệp: Quyết định giao đất cho Cienco 5 Land là đúng luật
05:00, 10/12/2020
Hà Nội "hồi tố" quyết định giao đất gây bất lợi cho doanh nghiệp
04:56, 09/12/2020
Hà Nội thay đổi quyết định giao đất sau 12 năm: Hồi tố có đúng pháp luật?
16:00, 04/12/2020