Bình Phước: Phương châm “2 nhanh 3 tốt” trong thu hút đầu tư

THÙY LINH thực hiện 07/01/2021 10:00

Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài.

ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước

Ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước

- Thưa ông, điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Bình Phước thời gian qua là gì?

Thời gian qua, cùng với những chính sách ưu đãi, tỉnh Bình Phước đã nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Bình Phước. Cụ thể như: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Bình Phước, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, đến nay hoạt động đã 3 năm, nâng mức độ xử lý hồ sơ với cấp độ 3 và 4, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.

Tỉnh Bình Phước cũng hoàn thành phần mềm báo cáo kinh tế - xã hội, cập nhật số liệu vào Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh. Đây được ví như “bộ não số” của Bình Phước với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh trên mọi lĩnh vực, góp phần phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp.  Điều này thúc đẩy đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch trong quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, công tác cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, áp dụng các dịch vụ công trực tuyến đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phương châm “2 nhanh 3 tốt”, đó là: Giải phóng mặt bằng nhanh, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh và chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.

Đặc biệt, thời gian qua Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã phối hợp các cơ quan hữu quan thực hiện xúc tiến mời gọi đầu tư theo phương châm “xúc tiến đầu tư tại chỗ”; tăng cường công tác “xúc tiến đầu tư trực tuyến”, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến tình hình xúc tiến mời gọi đầu tư.

- Vậy chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đối với các nhà đầu tư khi vào Bình Phước như thế nào, thưa ông?

Khi đầu tư vào Bình Phước, tùy từng trường hợp cụ thể, nhà đầu tư được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ như được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Mặt khác, được ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đến 3 năm trong thời gian xây dựng cơ bản và sau thời gian xây dựng cơ bản có thể được miễn 3, 7, 11, 15 năm hoặc thậm chí đến 19 năm tùy từng dự án cụ thể.

UBND tỉnh Bình Phước trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 nhà đầu tư

Ngày 23/12/2020, UBND tỉnh Bình Phước trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 nhà đầu tư

Đặc biệt, nếu là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch thì được miễn cho cả thời hạn thuê. Doanh nghiệp cũng có thể được hưởng thuế suất ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… và nhiều hỗ trợ khác như hỗ trợ quảng cáo, cung cấp thông tin, tư vấn về thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, hỗ trợ quảng bá xúc tiến đầu tư, du lịch và hỗ trợ đào tạo lao động.

- Theo ông đâu là lợi thế của tỉnh Bình Phước trong thu hút đầu tư?

Bình Phước trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp Bình Dương, Đồng Nai - các tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh, là cửa ngõ của vùng Tây nguyên trong kết nối với TP. HCM, kết nối với nước bạn Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Với vị trí như vậy, Bình Phước có được ảnh hưởng tích cực bởi làn sóng đầu tư của các tỉnh lân cận. Hơn nữa, Bình Phước vẫn còn quỹ đất dồi dào, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: điều, cao su, lâm sản khác là nguyên liệu sản xuất khá ổn định. Tài nguyên nước ổn định với các cụm hồ thủy điện, thủy lợi lớn và nhỏ, lại có 4 nhà máy thủy điện trên dòng sông Bé và sông Đồng Nai…

Bình Phước có thể nói là nơi “đất lành chim đậu” nên thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác đến, nhất là người trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn bổ sung cho lực lượng lao động địa phương vẫn còn thiếu. Hiện trạng hạ tầng giao thông, điện, nước, ngân hàng, bưu chính viễn thông đáp ứng tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó,việc quy hoạch phát triển công nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế khá bài bản nên mặt bằng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh luôn sẵn sàng. Đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nhất là nộp hồ sơ trực tuyến và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Với những tiềm năng, lợi thế đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư, kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tính đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 295 dự án thứ cấp, trong đó 201 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 94 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.416,75 tỷ đồng và 2.162 triệu USD; diện tích thuê đất 991,59 ha. Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 23/12 mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 nhà đầu tư, thực hiện 46 dự án đầu tư. Trong đó, tại khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico 11 dự án, khu công nghiệp Becamex - Bình Phước 15 dự án, 20 dự án hạ tầng cụm công nghiệp và ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư 46.276 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD.

- Ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trong hoạt động xúc tiến đầu tư?

Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với hơn 28.364 ha tại huyện biên giới Lộc Ninh, tiếp giáp nước bạn Campuchia là động lực phát triển mới của một vùng kinh tế năng động của tỉnh Bình Phước. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông và tuyến đường sắt xuyên Á, kỳ vọng thời gian tới, sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư thực hiện dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh biên giới.

Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư

Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư

Với chủ trương xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trở thành khu vực thu hút các nhà đầu tư, từ giữa năm 2019, UBND tỉnh Bình Phước tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với Campuchia và các khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, TP.HCM. Đó là Cảng cạn ICD Hoa Lư có diện tích 25ha, công suất 600.000 - 900.000 container/năm, là nơi tập kết hàng hóa nhập khẩu bằng container từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan vào Việt Nam và xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước. Đến tháng 9/2020, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn từ ngã 3 Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) đi Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư dài 12,5km với vốn đầu tư 450 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối thông thương tốt hơn với Campuchia và các khu vực lân cận.

Tính đến thời điểm này, Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư đã thu hút được 83 nhà đầu tư thực hiện các dự án, với tổng diện tích khoảng 1.719ha; trong đó, có 38 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số này, có 3 nhà đầu tư được giao đất đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp với 1.129ha và 8 nhà đầu tư thứ cấp với khoảng 590ha. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Ban quản lý  khu kinh tế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án thứ cấp, trong đó có 4 dự án nước ngoài (vốn đầu tư 6,66 triệu USD) và 22 dự án trong nước (vốn đầu 995,77 tỷ đồng). Đáng chú ý, Ban quản lý khu kinh tế chấp thuận cho Công ty cổ phần quốc tế Lê Đại Nam thuê 223,26ha, cấp giấy chứng nhận để đầu tư Khu công nghiệp Ledana với vốn lên tới 1.200 tỷ đồng và cấp chủ trương đầu tư cho 10 dự án với mức đầu tư 340 tỷ đồng...

- Thời gian tới, Bình Phước tiếp tục có hướng đi như thế nào trong thu hút đầu tư, thưa ông?

Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tập trung thu hút những dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển thương mại, dịch vụ logistic …

Về kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế, các sở, ban, ngành với nhà đầu tư, đặc biệt là diễn đàn doanh nghiệp hằng năm để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, tiến hành triển khai các đề án quy hoạch mới và mở rộng khu công nghiệp để có quỹ đất công nghiệp sẵn có, đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Xin cảm ơn ông!

Hiện Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập 14 KCN, trong đó có 1 KCN mới được thành lập trong khu kinh tế là KCN Ledana có diện tích 424,54 ha, 13 KCN ngoài khu kinh tế với tổng diện tích 4.679 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Chơn Thành, Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài. Hiện có 2 KCN đã lấp đầy 100% là Nam Đồng Phú và Chơn Thành I; 4 KCN lấp đầy trên 90% là Chơn Thành II, Minh Hưng - Hàn Quốc, Minh Hưng III và Đồng Xoài I. Điều này cho thấy, mặc dù tốc độ thu hút đầu tư khá nhanh nhưng dư địa để phát triển công nghiệp còn lớn, Bình Phước đã có quy hoạch và chuẩn bị tốt mặt bằng, sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư.

Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, toàn tỉnh có 40 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.600 ha. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện thủ tục để thành lập 07 cụm công nghiệp với diện tích mỗi cụm từ 40 - 70 ha, gồm các cụm công nghiệp: Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, Tân Phú, Tiến Hưng, Minh Hưng 1, Minh Hưng 2, Nha Bích. Mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã sẽ có ít nhất 02 cụm công nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Phước: Trải “thảm đỏ”, đón làn sóng đầu tư mới

    Bình Phước: Trải “thảm đỏ”, đón làn sóng đầu tư mới

    03:48, 24/12/2020

  • Bình Phước có tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà 250 triệu USD

    Bình Phước có tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà 250 triệu USD

    11:36, 23/12/2020

  • Bình Phước: Tập đoàn Japfa sẽ đầu tư dự án chăn nuôi 230 triệu USD

    Bình Phước: Tập đoàn Japfa sẽ đầu tư dự án chăn nuôi 230 triệu USD

    08:05, 01/12/2020

THÙY LINH thực hiện