Chỉ cần làm cho đàng hoàng, khó lắm hay sao?

NGUYỄN PHI VÂN 18/06/2022 02:40

Người đàng hoàng thì làm gì cũng đàng hoàng. Còn người đã lưu manh rồi thì dù có đưa cho bất kỳ mục đích hay ho cao cả kiểu nào cũng sẽ tìm cách biến nó thành trò lừa thế kỷ.

d

Một thương hiệu hay tổ chức mà muốn có uy tín, thì nó chỉ có thể được vận hành bởi những con người có uy tín

>> Facebook đi kiện và câu hỏi về uy tín

Hôm nay ngồi trên máy bay, mình đọc lại cuốn Subscribed (sách đã dịch tiếng Việt tựa đề “OK, tôi đăng ký). Bạn teen hỏi, Ma đọc cuốn gì vậy, mình bèn hào hứng giải thích về mô hình dịch vụ đăng ký lặp lại và dài hạn đang là xu hướng tất yếu của tương lai, kiểu Netflix hay Spotify cho bạn nghe.

Mình nói, business gì con làm sau này nên tham khảo mô hình này vì nó tạo nguồn doanh thu lặp lại và data hành vi khách hàng để sáng tạo đổi mới. Bạn teen nghe xong liền phát biểu một câu, muốn làm được vậy thì làm ăn phải có uy tín, không thì ai mà "subscribe".

Uy tín, hay nói cho dân dã là làm ăn đàng hoàng, tử tế, hứa sao làm vậy, nghĩ cho khách hàng, người dùng, không lưu manh ăn gian nói dối mà ngược lại quan tâm, tận tâm cải tiến để sản phẩm, dịch vụ của mình ngày càng tốt hơn dù cho khách hàng có hay không có complain. Nhưng một thương hiệu hay tổ chức mà muốn có uy tín, thì nó chỉ có thể được vận hành bởi những con người có uy tín, vì bản chất của họ là chính trực, chân thật, quan tâm, không vì tham lam mà dối trá, lưu manh.

Làm ăn đương nhiên phải kiếm ra tiền, nhưng đâu cần phải đi lùa gà, lừa lọc nhau mới được? Sở dĩ bạn teen phản ứng nhanh vậy, là vì sống ở Việt Nam, bài học “không nên tin những gì người khác nói” dường như đã trở thành cơm bữa. Ai không vậy mới là đồ lạ. Ai đàng hoàng mới là hàng hiếm. Chớ tào la xí đế âu cũng là chuyện thường tình.

Làm gì, cuối cùng cũng quay về chuyện con người. Người đàng hoàng thì làm gì cũng đàng hoàng. Còn người đã lưu manh rồi thì dù có đưa cho bất kỳ mục đích hay ho cao cả kiểu nào cũng sẽ tìm cách biến nó thành trò lừa thế kỷ. Người có thể thay bao bì, khoác lên những bộ cánh sang trọng hay rực rỡ, chớ máu gian nó không thể đổi màu. Cái thứ máu đen đúa, đầy chất độc hại người hại đời ấy nó len lỏi trong từng tế bào, trong từng huyết mạch, và chảy ra theo từng lời nói. Cho nên, làm gì cũng kiểu lùa gà rồi bỏ chạy, không bao giờ nghĩ được tới chuyện bán cho bất kỳ ai lần nữa, nhiều lần nữa, hay cả đời. Thứ tư duy ponzi lừa đẹp, hốt một phát rồi rồi bỏ chạy này không chỉ dành cho những kẻ chuyên đi lừa, mà trở thành cách tiếp cận rất đương nhiên khi bán hàng của nhiều doanh nghiệp. Khi bán thì hứa nhăng hứa cuội, nói cho đã miệng, bày đủ trò để móc tiền người khác. Xong rồi thì biến mất, bỏ mặc người ta ra sao ra, tiền trong túi quan là của quan, đế care chuyện gì sau đó.

Hồi xưa mình gặp bạn nào đi bán hàng cũng dặn, buôn bán cho đàng hoàng, chân thật, chăm sóc khách hàng cho tốt. Nuôi được niềm tin của một người, thì với network của người ta, người ta sẽ truyền miệng và giới thiệu cho mà bán đã luôn. Ủa, chỉ cần làm vậy thôi, dễ quá mà, là có luôn nguồn khách hàng tiềm năng tha hồ mà bán.

Nhưng mà không, nói thiệt, từ hồi về Việt Nam tới giờ, số lượng nhân sự mình gặp hiểu và làm được chuyện này đếm trên đầu ngón tay. Cả xã hội nháo nhào, cào cào trên bề mặt rồi bỏ chạy. Cả đời sắm chiếc ghe cào rồi cứ thế ra khơi đi tìm cá mới. Cá cũ nhai rồi phun xương không thèm recycle luôn. Tiền thì cứ quăng ra marketing như quăng lưới vô tôi vạ để kiếm thêm cá mới. Ủa, chỉ cần làm đúng và đàng hoàng thôi mà, khó lắm hay sao?

Nhưng nói đi thì cũng nói lại, khi sinh ra và lớn lên trong môi trường ghe cào, chỉ biết phút phút giây giây cào hết về mình, ai có thể nghĩ cho tới chuyện nhà người khác? Ai cũng cào thì mình cũng phải cào cho nó giống. Mà ngu gì không cào để kiếm tiền cho lẹ, cho nhiều? Dân số Việt Nam đông mà, cả trăm triệu cào hoài biết chừng nào mới hết. Sự thuận buồm xuôi gió, kiếm đã tay cào đã nư này được một thời.

Đến khi nào cái business này nó lụn bại vì sự thiếu uy tín thì cả sếp và lính cùng biến, kiếm chỗ khác quăng lưới tiếp. Con người không uy tín nên doanh nghiệp không uy tín. Doanh nghiệp không uy tín thì thị trường không uy tín, quốc gia không uy tín. Cho nên, thật ra cái thứ cần dạy trong trường học, trong kinh doanh tại Việt Nam không phải là dạy cách làm ăn, vì người Việt tính toán kinh lắm, siêu đẳng lắm. Dạy, là dạy đạo đức kinh doanh, dạy cách làm người, dạy tính biết nghĩ xa, gieo hạt và nuôi dưỡng. Dạy họ làm nông đi, đừng dạy họ đi cào nữa. Cào hoài, xơ xác cả niềm tin.

Đọc cuốn sách, nghe một câu bình rất đau của bạn teen, trăn trở về hiện thực. Chỉ cần làm cho đàng hoàng thôi, khó lắm hay sao?

Có thể bạn quan tâm

  • Lan toả kinh doanh liêm chính để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững

    Lan toả kinh doanh liêm chính để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững

    09:23, 14/06/2022

  • Kinh doanh liêm chính: Mục tiêu để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt vươn tầm thế giới

    Kinh doanh liêm chính: Mục tiêu để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt vươn tầm thế giới

    09:50, 14/06/2022

NGUYỄN PHI VÂN