UNDP vui mừng là đơn vị đồng tổ chức khóa đào tạo nâng cao về thực hành kinh doanh liêm chính trong các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp mới thành lập.
Đó là chia sẻ của bà Đỗ Thúy Vân, cán bộ chương trình, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP tại Chương trình đào tạo nâng cao: Thực hành Kinh doanh liêm chính trong Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ.
>>Lan tỏa kinh doanh liêm chính trong startup
Khóa đào tạo được tổ chức trong khuôn khổ của Dự án UNDP khu vực “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN” do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ thông qua Chương trình Cải cách kinh tế ASEAN. Trong phạm vi Dự án chúng tôi phối hợp với các cơ quan Chính phủ và khối doanh nghiệp thực hiện các hoạt động nhằm cải thiện và thực thi chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, thúc đẩy các thực tiễn kinh doanh liêm chính và trách nhiệm doanh nghiệp tại 6 quốc gia ASEAN, bao gồm Việt Nam, bà Thuý Vân nhận định.
Theo bà Thuý Vân chia sẻ, Luật phòng chống tham nhũng mới được Quốc hội nước Việt Nam thông qua vào năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Một trong những điểm mới của Luật là mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang lĩnh vực tư. Doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh được khuyến nghị ban hanh và thực hiện Quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ để phòng ngừa xung đột lợi ích, tham nhũng và để xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh.
Trong năm 2021, Việt Nam đã trải qua kỳ đánh giá thứ hai của Công ước LHQ về phòng chống tham nhũng. Một phần quan trọng của chu kỳ đánh giá tập trung vào việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ban đầu thông qua việc sửa đổi khung pháp lý để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng mô hình kinh doanh liêm chính. Tuy nhiên, hiện nay cần có những nỗ lực hơn nữa để đảm bảo việc thực hiện Công ước một cách đầy đủ.
Tham nhũng là một vấn đề gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2021 cho thấy có 41,4% doanh nghiệp báo cáo vẫn phải trả các khoản phí không chính thức.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong hai năm qua, mặc dù chịu tác động của đại dịch covid-19 nhưng vẫn có một số lượng lớn các doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2020, con số này là hơn 130.000 doanh nghiệp và năm 2021 là hơn 11.000 doanh nghiệp.
Theo Khảo sát về liêm chính trong thanh niên Việt Nam năm 2019 của tổ chức Hướng tới minh bạch, hầu hết tất cả những người được hỏi đều tin rằng tham nhũng và thiếu liêm chính có hại cho thế hệ của họ, cho nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 3/4 trong số họ cho biết không có hoặc có rất ít hiểu biết về các quy tắc và quy định về liêm chính và phòng, chống tham nhũng.
Bà Thuý Vân khẳng định, trong phạm vi Dự án, trong 4 năm vừa qua, UNDP đã phối hợp với VCCI thực hiện một loạt các hoạt động thực đẩy kinh doanh liêm chính. Nhiều khóa tập huấn về Quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ, kinh doanh liêm chính. Chúng tôi cũng hỗ trợ 5 doanh nghiệp được lựa chọn để xây dựng quy tắc ứng xử và hệ thống kiểm soát nội bộ. Tài liệu tập huấn và các bộ công cụ khác do Dự án xây dựng đã được đưa lên trang kdlc.vn của VCCI.
Một hợp phần Dự án được dành cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp trẻ. Trong 2 năm 2020 và 2022, UNDP đã tổ chức 2 khóa TOT cho gần 100 giảng viên đại học, cố vấn khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo và kinh doanh liêm chính, 06 khóa đào tạo về liêm chính trong kinh doanh cho hơn 200 doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp mới. Chúng tôi đã xây dựng 2 checklists cho các nhà đầu tư và cho các doanh nghiệp mới, đã phát triển một Chatbot với 110 câu hỏi và câu trả lời về kinh doanh liêm chính bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, bà Thuý Vân cho biết.
Vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng UNDP tin rằng khoá họcKinh doanh liêm chính trong Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ là một bước tiến quan trọng khác trong chuỗi hoạt động thúc đẩy và tăng cường tính liêm chính và kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp trẻ tại Việt Nam.
Hiện UNDP đã có một số thông điệp trong kinh doanh liêm chính như:
Tham nhũng là mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của Việt Nam. Tham nhũng luôn được coi là một trong những trở ngại quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh vì nó làm tăng chi phí kinh doanh, bóp méo môi trường cạnh tranh, hạn chế cơ hội đầu tư và làm gia tăng bất bình đẳng xã hội.
Các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng trên khắp thế giới đang gây áp lực nhiều hơn lên các công ty và chính phủ trong việc thực hiện đầy đủ liêm chính, minh bạch và các thực hành có trách nhiệm và bền vững. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là điều tốt nên làm, mà còn là điều đúng đắn cần làm để hoạt động kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Các doanh nghiệp lớn và nhỏ, bao gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp trẻ, có trách nhiệm tuân thủ luật pháp để chủ động giảm thiểu rủi ro tham nhũng, thúc đẩy tính liêm chính và minh bạch và đóng góp có trách nhiệm vào sự phát triển của xã hội.
Một doanh nghiệp không thể xây dựng được một nền văn hóa liêm chính. Thực tiễn từ khắp nơi trên thế giới và từ khu vực ASEAN cho thấy rằng Hành động tập thể là cần thiết để giúp xây dựng văn hóa liêm chính trong kinh doanh. Hành động tập thể và nỗ lực chung của cả Chính phủ và doanh nghiệp là cấp thiết để giải quyết tham nhũng hiệu quả, xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người.
Kinh doanh liêm chính là chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững cho đến năm 2030 và UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
Có thể bạn quan tâm