Mekong Connect 2020: Bàn cách đưa sản phẩm, dịch vụ địa phương vào chuỗi giá trị toàn cầu
Với chủ đề “Đưa sản phẩm và dịch vụ của ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Diễn đàn Mekong Connect 2020 do tỉnh Đồng Tháp đăng cai đã được tổ chức vào ngày 21/12 tại TP. Cao Lãnh.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ phải đáp ứng được nhu cầu nhu cầu trong nước, mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, “liên kết” được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công; đồng thời đó cũng đang được cho là điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là trong liên kết vùng.
Một trong những chủ đề chính của Diễn đàn là xoay quanh các lợi ích và cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) mang lại đối với các sản phẩm nông nghiệp và quá trình phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tương lai.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã nhận định thương mại song phương Việt Nam – EU đã có bước tiến triển lớn trong thập niên qua. Tổng kim ngạch hai chiều đã tăng lên 45 tỷ euro trong năm 2019, so với con số 10 tỷ euro trong năm 2009. Xuất khẩu sang thị trường châu Âu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, giúp giảm bớt hàng rào thuế quan với 71% tổng giá trị hàng Việt Nam xuất sang EU. Trong vòng một thập niên tới, con số này sẽ lên đến 99%. Thuế suất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ xuống thấp gần bằng 0 trong vòng 10 năm tới.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thực hiện đầy đủ EVFTA sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng 12% trong giai đoạn 2021 – 2030. Riêng với trái cây, tỷ lệ tăng trưởng là 20% nhờ vào EVFTA, mở ra cánh cửa thâm nhập thị trường mới cho nông dân, nhà sản xuất và nhà xuất khẩu ở ĐBSCL.
Ngoài việc giúp tăng xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU, các chuyên gia cũng nhận định hiệp định EVFTA cũng giúp bảo vệ tốt hơn hàng hóa đối với hàng nhái hay hàng giả trên thị trường EU thông qua điều khoản về chỉ dẫn địa lý (GI).
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Eurocham cho biết hiện có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo vệ ở châu Âu. Trong số này có các sản phẩm của ĐBSCL như vú sữa Vĩnh Kim hay muối biển của Bạc Liêu... Thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm lưu thông trên thị trường 450 triệu dân này phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối EU về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Theo Phó Chủ tịch Eurocham, Hiệp định EVFTA sẽ giúp tăng dòng chảy hàng hóa bởi các doanh nghiệp cả hai bên sẽ tìm cách tận dụng và xâm nhập thị trường ưu đãi và thuế suất đang giảm dần. Điều này đòi hỏi các mạng lưới vận chuyển và hạ tầng logistics hiện đại. Vì thế, các cảng ở các tỉnh ở khu vực láng giềng như TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm dòng lưu thông hàng hóa thông suốt và tận dụng hết các ưu đãi của EVFTA. Vì vậy, việc nâng cấp mạng giao thương vùng giữa các trung tâm logistics này và khu vực ĐBSCL có thể giúp tăng xuất khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta năm 2020 đạt 44 tỷ USD. Ở Trung Quốc chỉ riêng sản phẩm nấm đạt 17 tỷ USD. Như thế các sản phẩm nấm, cà phê, mía đường, trái cây… và nhiều mặt hàng nông sản khác của nước ta cần gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm gia tăng giá trị. Các doanh nghiệp dẫn đầu tham gia Mekong Connect có thể cùng liên kết, cùng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tạo thêm nhiều sản phẩm chế biến từ nông nghiệp có giá trị cao.
Theo ông Lê Minh Hoan, trong sản xuất nông nghiệp làm thế nào phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, không lạm dụng hóa chất phân bón, thuốc trừ sâu để sản xuất ngày càng nhiều nông sản sạch. Trước những thách thức biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120. Hy vọng với chương trình hành động trong 10 năm tới cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL sẽ được cải thiện tốt hơn. Từ đó sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản kết nối chuỗi giá trị toàn cầu…
Diễn đàn Mekong Connect đã diễn ra chương trình thảo luận nhóm theo từng vấn đề của kinh tế địa phương, gồm: An Giang với chủ đề “Công nghiệp hóa sản xuất kinh doanh nông nghiệp - góc nhìn từ OCOP”; Bến Tre với “Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ, và đổi mới sáng tạo”; Cần Thơ với “Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL” và Đồng Tháp với “Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm