GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 13

Trương Khắc Trà 13/07/2019 05:45

Có những "chuyện nói chơi" phát ra từ nơi hoạch định chính sách, đã chục năm - tưởng chừng nói chơi! Ai ngờ...

Nửa cuối thế kỷ XIX, khi Pháp xây 7km đường sắt nối Sài Gòn - Mỹ Tho (Tiền Giang), lúc đó Nhật Bản đang loay hoay với cải cách Minh Trị Thiên Hoàng, vài quốc gia châu Âu, châu Mỹ tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2; các nước Đông Nam Á lân cận chúng ta nằm mơ cũng không nhìn thấy phương thức vận chuyển đường sắt.

Napoleon lúc này đang làm mưa làm gió ở Âu châu bằng quân đội kỵ binh thô sơ, các nước Mỹ latin mới giành độc lập từ tay Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha; ở Trung Quốc, Từ Hi thái hậu buông rèm nhiếp chính, thời điểm này các bản Sonata của Bethoven mới được biểu diễn…

Thế mới thấy, đường sắt Việt Nam có lịch sử không thua kém bất cứ nước nào. Thời gian này, cả nước đang bàn chuyện đi lại… trên hai thanh ray có lịch sử 138 năm, nhân đây nhớ lại, nước Nhật có 21.000 công ty tuổi đời trên 100 năm, kinh tế nước Việt tuy không bằng Nhật Bản nhưng ít ra ngành đường sắt xứng đáng ngồi vào mâm bô lão với các nước.

Vì con số hàng chục tỷ USD phải chi ra để xây dựng đường sắt cao tốc nối Bắc - Nam nên mới lần mò đến quá khứ, trong 138 năm qua đường sắt Việt Nam có lớn hay chỉ là đứa trẻ sống lâu năm?

Nếu như đường sắt chịu tịnh tiến với đà tiến bộ của nhân loại thì ngày nay thế hệ con cháu không nhức đầu tranh cãi nên làm thế nào, bao nhiêu tiền, ai thi công?

Cần thấy rằng, con người mất hàng ngàn năm để phát minh ra… que tăm xỉa răng, chứ đừng nói mấy thứ lớn lao như công nghệ đi lại - một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng như đường sắt làm sao có thể hiện đại hóa bằng ý chí trong chốc lát!

Vâng, những người đam mê tốc độ, thích có một đoàn tàu chạy với vận tốc 350km/h, nhưng ít ai chịu thấy - với đường sắt cao tốc - để có thêm 10km tốc độ/h cần 1 thập kỷ học hỏi, khám phá, sáng tạo công nghệ, chưa tính chi phí tăng lên.

Vì vậy, câu thành ngữ “liệu cơm gắp mắm” không thể dịch ra tiếng Anh, nó là tài sản tư tưởng hiếm hoi không bị lai tạp. Kinh tế là cần, nhưng an dân còn cần hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 12

    GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 12

    05:45, 06/07/2019

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 11

    GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 11

    05:40, 29/06/2019

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 10

    GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 10

    06:00, 22/06/2019

“Chuyện nói chơi” là tựa đề một bài viết trên báo điện tử VnExpress (đăng ngày 12/7/2019), trong đó tác giả tình cờ lật lại vài câu chuyện cách đây 10 năm về trước, có đơn cử một đề xuất của Đại biểu HĐND TP HCM rằng: “khuyến khích người dân TPHCM đào hồ để chống nạn ngập úng”.

Đến nay, sau 10 năm, người ta đủ cơ sở để khẳng định đề xuất đó cũng giống như  “Chuyện nói chơi”, làm được hay không không quan trọng, miễn nói lấy được. Nhưng ai ngờ, ngày hôm qua (đúng ngày 12/7/2019) một đại biểu HĐND TPHCM lại đề xuất chống ngập như sau: “trang bị mỗi nhà một lu chưa nước mưa để chống ngập”.

Tôi không dám nghĩ rằng, đó là “tâm, tầm và tài” của những đại biểu dân cử 5 năm mới bầu bán một lần trên cơ sở chọn lựa trong mọi giai tầng nhân dân để lẫy ra vài trăm người được coi tinh túy nhất.

Theo tường thuật của tờ Phunuonline.com, sau đề xuất này cả hội trường vang lên nhiều tiếng xôn xao. Và, tôi thì nghĩ rằng, nếu dân nghe điều này chắc họ buồn đến thắt lòng mà lặng đi chứ không thể xôn xao!

Thôi thì nói vậy, một cơn mưa trút xuống TP HCM hàng trăm vạn khối nước, nước chảy thành sông, thành suối, nước gây tràn kênh, nước phá vỡ đê, nước “ướt” chính sách, nước vỗ rát mặt, nước làm tắt hết mọi phát biểu…

Loại máy bơm khủng nhất thế giới không tát cạn thì lu nào chứa hết? À không, vẫn có “lu Thạch Sanh” trên cơ sở cải tiến của chiếc “nồi Thạch Sanh” trong truyền thuyết.

Nếu 10 năm sau, có ai đó viết lại một bài như VnExpress, lật lại chuyện bây giờ - và nếu bắt gặp phát biểu này thì nên đặt tít cho bài báo là gì nhỉ? Xin độc giả cho ý kiến.

Trương Khắc Trà