Thế nào là "treo đầu dê bán thịt chó"? À, đó là khi lấy sản phẩm của người khác gắn tên họ mình vào, khẳng định chủ quyền rồi mang đi bán...
Tôi từng mua chiếc tivi thương hiệu Asanzo 25 inch, tôi chọn nó vì giá rẻ, lại được quảng cáo là “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Thật sự, qua sử dụng tôi nhận thấy chất lượng hình ảnh không được như những thương hiệu Nhật khác (Sony…)
Nhưng vì đinh ninh là hàng Nhật nên khi bạn bè, người thân mua đồ điện tử gia dụng tôi đều khuyên chọn Asanzo cho tiết kiệm, lại thương hiệu…có trên hai người đã nghe tôi, như vậy đã là...số nhiều!
Hôm qua (21/6) đúng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tờ Tuổi trẻ công bố một sự thật…rất báo chí - gây rúng động dư luận, trong đó có tôi: “Asanzo - hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”.
Chết thật! Tôi thấy có lỗi với những người đã chọn Asanzo qua lời “quảng cáo” ngút trời của tôi. Nhưng dù sao vẫn cảm ơn tuoitre.vn và cũng rất cám cảnh cho thị trường đã bị lừa đảo suốt nhiều năm nay, kể cả những người trao danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cho người tiêu dùng bình chọn” cho Asanzo!
Hóa ra, báo chí truyền thông, cơ quan chức năng đều bị xâu mũi tất, thử tìm trên Google mà xem, không biết cơ man nào là bài vở tự hào, quảng bá cho sản phẩm “đội lốt” này. Hàng Trung Quốc thì đã sao?
Không phải hàng Việt Nam đâu có chết? Vậy người ta gắn sản phẩm "râu ông nọ cằm bà kia" vào cái tên “Việt Nam” để làm gì?
Để được nổi tiếng, được nể trọng, được ngưỡng mộ; trong bối cảnh sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt hiếm như lá mùa thu…khít rịt luôn, ở Việt Nam bây giờ ai có được mấy đặc điểm đó thì sẽ có cả tiếng lẫn miếng!
Vấn đề ở chổ, không phải hàng Tàu là xấu cả, nhưng cái cách Asanzo nói dối khách hàng mới là xấu, lòng tự tôn dân tộc không phải là thứ để lợi dụng cho mục đích kinh doanh mờ ám. Vâng, người Nhật sẽ rất bực bội đấy, nhưng với cách thức “thay tên đổi họ” cho sản phẩm và qua mặt cả “rừng thủ tục” thì đây cũng là một thứ “đỉnh cao” chót vót.
Có thể bạn quan tâm
Bằng cách này, ngay từ hôm nay tôi cũng có thể “sản xuất” được mọi hàng hóa mang đẳng cấp hệ mặt trời, dễ thôi mà, mua về, xóa nhãn mác, in lại tên gì tùy thích!
“Đập hết cho chị” - đó là mệnh lệnh của một người phụ nữ trẻ dẫn đầu nhóm nhân viên được cho là của công ty địa ốc Alibaba. Ai cũng bảo doanh nghiệp xanh le xanh lét vì sợ chính quyền, sợ thanh tra, nhưng công ty địa ốc Alibaba dường như ngoại lệ. Dự án “ma”, vi phạm đất đai, bị cưỡng chế, nhưng công ty Alibaba cho thấy mình cũng hung dữ hổ báo không kém…đoàn cưỡng chế!
Nhân đây nhớ lại một clip trên mạng xã hội ghi lại cảnh thầy giáo và một học sinh nữ đánh nhau, thầy tát qua học sinh tát lại, thầy có lúc bị vả cho liểng xiểng…thế là cả hai bằng nhau, cũng không hơn phường tôm cá lá rau.
Nói đi cũng phải nói lại, ai để Alibaba cắm dùi mọc rễ rồi mới ra tay giải quyết, nếu chính quyền nghiêm minh, đứng đắn ngay từ đầu thì đố ai dám chống lệnh!
Nếu “một bộ phận không nhỏ” người thi hành công vụ không sử dụng cái “quyền chính đáng” mà dùng cái quyền “phi chính đáng” để buộc doanh nghiệp hối lộ, bôi trơn các kiểu thì bảo sao người ta không nhờn luật?
Cũng giống như ông thầy giáo kia, dạy học trò không đủ nghiêm minh và đứng đắn nên nó coi thầy như “cá mè một lứa”. Tóm lại, quyền lực nhà nước không phải ở cái mồm, mà ở trong luật; không phải bằng vũ lực mà là sự thu phục bằng cái uy.
Chẳng biết được Alibaba có…mang theo “bốn mươi tên cướp hay không” (tên một truyện cổ tích) nhưng, trông họ rất hiên ngang, coi đoàn cưỡng chế không ra gì, thật đắng chát!