GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 18

Trương Khắc Trà 17/08/2019 05:50

Không ai không biết câu "quân tử nhất ngôn" vậy mà giờ đây-nhiều nơi, nhiều người dùng "tứ mã" cũng "nan truy" nhà họ hứa!

Tôi không biết viết sao về “lời hứa” vì nó quá mênh mông và vi diệu, nhất là lời hứa lớn của các vị Bộ trưởng tại nghị trường! Rất may, tình cờ đọc văn mẫu của học sinh lớp 7, cháu đã “dạy” cho cách viết đúng, đủ, nhẹ mà cay nhất về “lời hứa”.

Một cháu nhỏ đã viết thay tôi thế này: “Có thể nói, giữ lời hứa là một trong những việc làm khó khăn nhất của con người. Trước khi hứa phải suy nghĩ cẩn thận, xem mình có đủ khả năng để thực hiện lời hứa đó hay không và đã hứa thì phải giữ, nếu không thực hiện được thì phải gánh chịu hậu quả, không được che dấu, lờ đi hoặc đổ lỗi cho người khác”.

Đứa con trai chưa đầy 3 tuổi cứ thấy tôi dắt xe ra khỏi nhà là “dặn dò” đủ các loại đồ chơi, dĩ nhiên tôi luôn “nỗ lực” hết sức để không thất hứa, kể cả khi túi rỗng tuếch. Nhưng có một lần nọ tôi hứa mà không mang về cho nó thứ mà nó “dặn dò”.

Sau một tràng khóc tức tối, con trai tôi nói: “Ba là người xấu, ba là phù thủy, ba là khủng long bạo chúa…” Nói chung đủ các thể loại nhân vật phản diện mà nó xem được trên kênh Youtobe đều gán cho tôi, tôi thấy nhột vô cùng! Đừng bao giờ thất hứa với trẻ con - đó là kinh nghiệm của tôi.

Quan được ví như cha mẹ, gọi là “quan phụ mẫu”, dân tình như con, nếu dùng cái logic của đứa trẻ 3 tuổi để áp vào việc Bộ trưởng, trưởng ngành thất hứa sẽ cho kết quả sao đây?      

Mà những việc quan hứa đâu nhỏ như cái đồ chơi vài chục nghìn, đó đều là quốc gia đại sự, tiền núi tiền non, an nguy của bá tánh, vận mệnh dân tộc, bộ mặt đất nước…

Thất hứa là thất tín, một lần thất tín là vạn lần mất tin, đỉnh cao của bội tín thiên hạ gọi là lừa đảo, ít hơn thì bị gắn cho ba hoa khoác lác, có hơi hám thì bị nghi kị. Tóm lại kẻ bội tín khó sống nhất trên đời!

Ấy thế mà chuyện quan ta thất hứa không phải hiếm, mà đâu phải hứa với con cái, bè bạn…hứa trước Quốc hội - nơi đại diện cho nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã hiến định!

Đúng rồi, để giảm bớt tắc trách, tìm ra nguyên nhân mọi sự bê trễ, kiến nghị Quốc hội thành lập cơ quan “Giám sát lời hứa của Bộ trưởng, trưởng ngành”. Hứa mà không làm nên có chế tài, chứ không phải coi lời hứa như giải pháp “chống bí” trước câu hỏi chất vấn!

Có thể bạn quan tâm

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 17

    GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 17

    05:45, 10/08/2019

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 16

    GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 16

    07:30, 03/08/2019

Thủ Thiêm - dòng nước mắt 20 năm dần được lau khô. Một số cán bộ của thành phố tuy đã nhiều lần học tập nhưng đang không làm theo gương Bác, nay không còn cơ hội để tiếp tục “chưa bị lộ”.

Vụ Thủ Thiêm để lại sự tổn thương vô bờ đối với thần dân tội nghiệp, phết một vết đen đúa lên lịch sử, hiện tại và tương lai của thành phố năng động sáng tạo, hào sảng bất khuất chứa chan tình người.

Để nói điều gì đó về Thủ Thiêm lúc này không gì tốt hơn hai từ “xin lỗi” và xin “đừng hứa thêm một lần nào nữa”. Bài học kinh nghiệm ư? Quá đỗi tầm thường so với 20 năm đọa đày mất nhà mất cửa, lao đao lận đận vì quy hoạch.

Tôi nghĩ rằng, Thủ Thiêm phải được biên chép thành giáo trình giảng dạy về sự liêm chính, công minh, do dân và vì dân, có như thế các thế hệ tiếp nối mới “rùng mình”, “run tay” trước quyền và lợi ích chính đáng của muôn dân.

Và nếu có bài học gì đó về Thủ Thiêm thì đó là cái tâm trong sáng của người lãnh đạo, đừng biến tương lai con em mình trở thành chiếc bánh piza hình tròn, để trong hộp vuông, ăn theo hình tam giác và thải ra hình trụ!

Đền bù cho dân, dễ thôi, kỷ luật xử lý cán bộ, cũng rất dễ, nhưng có một thứ rất rất lâu nữa - hoặc vĩnh viễn không lấy lại được, đó là niềm tin, 20 năm và hàng trăm lần bội tín thì có bao nhiêu triệu lần thất tin?

Trương Khắc Trà