GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 29: Chống ngập và chống... mất tích!
Có cảm giác nhiều ĐBQH đang hoạt động... chéo, ở nơi này nhưng luôn phải quan tâm chuyện nơi khác!
Nói người Việt “sính ngoại” ngày càng đúng. Ai đời riêng cái chuyện Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo chìm trong nước sau 30 năm nữa mà đến khi báo nước ngoài lên tiếng thì tất cả mới nháo nhào.
Mà báo chí trong nước rất rất nhiều lần cảnh báo, kể cả chuyên gia, nhà khoa học dày công nghiên cứu kết luận nhưng vẫn không nhận được sự quan tâm như một bài báo trên tạp chí Nature.
Thì thôi, cũng nên xem đó là góc nhìn khách quan từ giới khoa học gia phương Tây về các vấn đề của Việt Nam, không thiên vị, không ý đồ chính trị và uy tín như cái tên Nature Communications lừng danh.
Thật ra, “chống biến đổi khí hậu” chỉ là khái niệm mang tính an ủi tâm lý nhiều hơn công dụng của nó. Nếu không muốn nói con người “thông minh xạo lá” quá nhỏ bé trước thiên nhiên.
Đấy, không ít người mừng vui vì… băng tan ở Bắc Cực, các cường quốc bắt đầu xâu xé trữ lượng dầu mỏ chiếm ¼ toàn cầu, nguồn khí đốt vô tận, băng cháy quý hiếm. Thử hỏi các cường quốc ấy có muốn “chống biến đổi khí hậu” hay không?
Cuộc chạy đua ở Bắc Cực đang rất “nóng”, các nước Scandinavi, Mỹ, Trung Quốc, Nga, và Tây Âu ai cũng “xí phần” lãnh thổ. Đây sẽ là địa bàn chiến lược trong nay mai, khoảng 3 thập kỷ nữa khi Tây Nam Bộ chìm ngập trong nước!?
Không “chống” được khí hậu thì nên… “thuận thiên”. Sài Gòn “hòn ngọc Viễn Đông”, rồi thì “Singapore thu nhỏ”…tất cả không thiết thực, bằng chi để thành phố này biến thành một Vienna của Áo, hay Amsterdam của Hà Lan mà cứ để yên sẽ có.
Là gì? Là phố ngập trong nước, nước bao quanh phố, lung linh huyền ảo hệt như Âu châu. Tuy nhiên, thứ “đặc sản” lềnh bềnh theo triều cường là rác, nước cống đen ngòm thúi oang và cả tiếng chửi thề đang chờ dịp bung ra.
Nói thế là bởi, 15 năm nay người ta đã bó tay với triều cường, chịu thua trước mưa lớn, Sài Gòn giờ chưa mưa đã ngập, còn mưa ngập là… bình thường rồi!
Biết bao nhiêu tiền bạc, công nghệ chống ngập nhưng chẳng đâu vào đâu. Tỉnh Bạc Liêu mới vận hành thử cống chống ngập nhưng nó lại làm 100 nhà dân bị ngập. Sài Gòn thì không biết bao nhiêu tiền bạc dùng cho việc chống ngập đã xuôi dòng ra… biển!
Có thể bạn quan tâm
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 28: Thôi thì tất cả...nhờ "TRỜI"
05:45, 26/10/2019
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 27: Đôi điều về văn minh
05:45, 19/10/2019
Cứ mỗi kỳ họp Quốc hội chúng ta lại có dịp lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu “có gang có thép”. Nhưng ai dám chắc mình còn nhớ tên đại biểu mà trước đây từng bầu cho họ? Và liệu dân chúng một địa phương có biết mặt biết tên toàn bộ đại biểu của tỉnh mình hay không?
Sự thật là kỳ họp nào cũng chỉ một vài trong số gần 500 đại biểu tại phòng Diên Hồng cất lên tiếng nói đủ để trở thành tâm điểm dư luận, đề tài thú vị của báo chí, đó là ông Dương Trung Quốc, ông Lưu Bình Nhưỡng… rất hiếm hoi!
Đại biểu Quốc hội có nhất thiết phải là người nắm giữ các chức vụ cao và quan trọng? Đó là vấn đề phải được đặt ra khi thảo luận về Luật tổ chức Quốc hội.
Bởi nhẽ, ví như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh… kiêm đại biểu thì đương nhiên thời gian dành cho việc nghiên cứu chính sách, phát biểu bị ít đi. Bản thân những người này đã là “đại diện nhân dân” ở địa phương, giờ vác thêm nhiệm vụ bày tỏ nguyện vọng của nhân dân ra Quốc hội, e có điều gì hơi mâu thuẫn.
Là ở chổ, có nhiều chuyện nhức nhối ở địa phương, cần phản ánh, thậm chí lên án. Thực hiện nhiệm vụ đại biểu, liệu những người lãnh đạo - chịu trách nhiệm ở địa phương có dũng cảm nói lên những bất cập tại phương mình?
Vấn đề Thủ Thiêm, Đồng Tâm, dự án “siêu đội vốn” tại Ninh Bình, bê bối thi cử… lẽ ra những đại biểu ở các địa phương đó phải là người nói đến đầu tiên. Vậy nhưng, đại biểu nào nói nhiều, nói mạnh, nói thẳng nhất về mấy điểm “nóng” này thì dư luận cũng đã biết.
Suy cho cùng, đại biểu là thay mặt dân giám sát hoạt động của cơ quan công quyền; làm luật một cách công minh nhất có thể. Nhưng đại biểu làm luôn Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương thì khác gì vừa đá bóng vừa làm trọng tài?