Làm sao để tăng năng suất lao động mà không xén bớt thời gian nghỉ ngơi? Làm sao để dẹp bỏ thói quen đổ lỗi tại...ông "TRỜI"?
Không biết từ đâu sách vở mô tả người Việt ta “siêng năng”, “cần cù”, “chịu khó”, mấy tính chất này còn thi thoảng bắt gặp đâu đó trong những bài báo, cuốn sách, thậm chí một công trình khoa học.
Nhưng dưới hệ quy chiếu định lượng, người Việt là một trong những…cộng đồng lười biếng nhất thế giới - vì sao nói như vậy? Vì năng suất lao động của nước ta kém xa so với khu vực, đơn cử 1 người Singapore làm việc bằng…23 người Việt Nam!
Hãy nhìn vỉa hè, hàng quán của mọi con phố từ Bắc chí Nam để thấy thanh niên, trai trẻ cà cưa trên bên ly cà phê, cốc bia, chén rượu, bàn cờ tướng bất chấp giờ giấc. Lấy đâu ra giàu có thịnh vượng nếu chúng ta sở hữu một thế hệ là “tỷ phú thời gian”?
Vì thế, để một cá nhân sung túc, một gia đình giàu có, một xã hội phồn vinh thì không còn cách nào khác là phải “bận rộn”, sử dụng tối đa quỹ thời gian để nghĩ cách tạo ra của cải. Lý thuyết là như thế!
Song, đi vào cơ cấu của lao động, phương thức sản xuất thì có nhiều thứ để luận bàn, và phải luận bàn kỹ để lấy điểm tựa khoa học cho việc sửa đổi bộ Luật Lao động, rằng: nên tăng lương giảm giờ làm, hay kéo dài ngày công, gia hạn tuổi hưu, tác động vào đâu để tăng năng suất…?
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội lý luận rằng “giảm giờ làm sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế”. Điều này không sai nhưng không hoàn toàn đúng đắn và khoa học với xu thế hiện nay.
Vì sao người Bắc Âu sống chậm và nhàn hạ? Vì sao chính phủ Nhật khuyến khích người lao động…bớt làm thêm? Mà năng suất lao động không hề giảm, thậm chí họ còn giàu có sung túc? Đấy, ngân khố Thụy Sĩ dư thừa muốn phát lại cho dân!
Tôi cho rằng, đa phần người Việt là cần cù, nhưng họ tồn tại trong một nền kinh tế đậm đặc gia công, phụ thuộc xuất khẩu, hưởng phần nhỏ giọt trong chuỗi lợi ích toàn cầu thì lấy đâu ra thu nhập cao?
Đấy, nhà đầu tư nước ngoài kéo đến nước ta cũng vì lao động tốt - rất năng suất nhưng cũng rất tiếc là phần "ở lại" quá ít mà phần "đội nón" ra đi thì nhiều.
Nếu tăng giờ làm, có nghĩa là xén vào thời gian nghỉ ngơi, vui chơi - cũng là phương thức để tái sản xuất sức lao động.
Tôi cũng cho rằng, vấn đề hiện nay không nằm ở người lao động mà nằm ở công cụ lao động và tính chất nền kinh tế. Hãy đến những khu công nghiệp, thành phố lớn để thấy công nhân nhàn nhã hay tất bật!
Hàng triệu công nhân tận hiến hết sức lực cho các doanh nghiệp nước ngoài, giá trị tạo ra còn bao nhiêu ở lại trong nước? Người làm luật phải xét kỹ điều này để tránh “một cổ hai tròng” cho người lao động.
Bản chất của một bộ Luật lao động tiến bộ là làm sao bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động, như tăng lương, giảm giờ làm. Muốn vậy phải hiện đại hóa công cụ lao động, tăng hàm lượng kỹ thuật, khoa học. Và đó là nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống.
Có thể bạn quan tâm
05:45, 19/10/2019
06:00, 12/10/2019
Cuộc sống này mâu thuẫn, biến cố xảy ra liên tục, đặc biệt là đối với những người nắm quyền lãnh đạo. Vậy chúng ta nên chọn thái độ nhận lỗi và khắc phục hay vòng vo đổ lỗi?
Ví dụ như: cá chết do…sặc nước, nước sạch nhiễm dầu thì do “ai đó phá hoại”, ô nhiễm môi trường thì do rác thải ùn ứ bốc mùi. Và nhiều nhất là khi đường sá, cầu cống hư hỏng lại đổ lỗi do thời tiết xấu, nền đất yếu…
Đấy, tuyến đường tránh Chư Sê (Gia Lai) 250 tỷ đồng vừa khánh thành hồi tháng 6/2019 đã đứt gãy toang hoác y hệt như vừa trải qua trận động đất 7 độ richter…liệu một lần nữa "thủ phạm" là...ông "TRỜI"?.
Lý luận mọi rợ như vậy thì cần gì đến luật pháp, bởi nhẽ luật để điều chỉnh quan hệ xã hội - quan hệ người với người chứ đối với thiên nhiên, khách quan vô tri vô giác thì bắt tội làm sao?
Phải chờ đến bao giờ mới được chứng kiến phông văn hóa nhận lỗi, xin lỗi và khắc phục, thậm chí xấu hổ mà từ chức?
Một dự án trước khi triển khai luôn trải qua nhiều công đoạn, có báo cáo tiền khả thi, tùy vào điều kiện trắc địa để có phương án thi công, xong rồi phải thẩm định chất lượng…
Sai số của một công trình là chuyện đương nhiên, ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…không phải không có. Nhưng đó là lúc mà “người có trách nhiệm” cho thấy họ đủ liêm sĩ, đạo đức, có thể phải đánh đổi sanh mạng chính trị.
Nhưng xứ ta thì hiếm, hiếm thật sự, mấy ngón nghề như “đánh bùn sang ao”, “cố đấm ăn xôi”, “trơ gan cùng tuế nguyệt”…cứ thế mang ra chống lại công luận
Tiến sĩ tâm lý học lừng danh Menis Yousry, tác giả cuốn sách “Tìm lại chính mình” nói rằng: “Những người luôn đổ lỗi cho người khác là những người không bao giờ thành công, bởi bạn sẽ không thể biết được mình thất bại ở điểm gì để lần sau còn rút kinh nghiệm”.
Có lẽ vị tiến sĩ này đã sai chăng? Khi mà vô số người có thói quen “đổ lỗi” ở nước ta vẫn quyền to quyền nhỏ, ghế bé ghế lớn! Mà biết đâu, dăm ba bữa chuyện lắng xuống họ lại ngoi lên ở đâu đó rồi nói chuyện đạo đức, nhân phẩm chưa biết chừng!