GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 34: Giá Tết và giá khoa học
Năm Kỷ Hợi dường như dài hơn mọi năm khác vì giá thịt lợn ảnh hưởng sâu sắc đến mọi gia đình, trong khi đó tại Việt Nam đã phát hiện thêm một thứ "đắt nhất thế giới".
Thưa quý vị, Việt Nam vẫn là nước nghèo theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới. Nhưng ở đất nước này có vô số thứ khiến quốc tế phải ngã mũ chào thua, đó là con đường đắt nhất thế giới, sân bay đắt nhất thế giới, tượng đài đồ sộ nhất thế giới và bây giờ là bài báo khoa học công bố quốc tế đắt nhất thế giới!
“Hơn 3 ngàn nhà nghiên cứu, 141 tỷ đồng và 1 công trình khoa học công bố quốc tế” đó là dòng tít gây...xúc động mạnh trên tờ Laodong. Hay nói cách khác đó là thảm trạng của tình hình nghiên cứu khoa học tại tỉnh Thanh Hóa.
Hãy xem bức tranh “nhân sự chất lượng cao” tại Thanh Hóa, 18 phó giáo sư, 149 tiến sĩ, 1.067 thạc sĩ. Họ làm gì trong suốt 365 ngày của năm 2019? Nếu đã làm việc cật lực mà kết quả ít ỏi như thế thì phải xem lại năng lực. Bằng không...hãy nghĩ nghiên cứu có lẽ sẽ ích nước lợi nhà hơn.
Khoa học mà...chẳng khoa học chút nào, chừng ấy người nghiên cứu trong biên chế, ngốn hết núi tiền nhưng chỉ tạo ra một công bố quốc tế duy nhất. Đó là cái giá quá đắt để nghiên cứu.
Giáo sư Vũ Ngọc Hải, Đại học Myongji, Hàn Quốc từng so sánh rất thú vị: Giá một bài báo (quốc tế) trung bình cỡ 10 tờ giấy A4 trọng lượng 40 gram khoảng 70 đến 100 triệu đồng - tương đương 2 cây vàng. Như vậy “giá khoa học” ở Thanh Hóa đắt hơn kim cương!
Suy cho cùng cũng tại “khoa học bao cấp” mà ra, đó là khi người làm khoa học ẩn mình trong vỏ bọc biên chế, an toàn bởi tiền lương từ ngân sách, phần nào đó bị chi phối bởi chức vụ, cấp bậc?
Con số giật mình ở xứ Thanh chứng minh thêm một điều, Việt Nam đang rất thừa bằng cấp mà thiếu công trình hữu ích cho cuộc sống. Đấy, ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường...nhiều chục năm nay vẫn chưa thấy một nghiên cứu nào đủ sức ứng dụng giải quyết.
Có một con đường không lối thoát về tình trạng nghiên cứu khoa học ở nước ta là đi vào...ngăn tủ rồi nằm lại mãi mãi ở đó, và bên ngoài người ta dùng những uyển ngữ “chậm ứng dụng”, “chưa có tính lan tỏa...để bao biện.Có thể bạn quan tâm
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 33: Vui thôi, đừng vui quá!
06:00, 14/12/2019
GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 32: Nhiệt điện than và cung đường sắt nhức nhối
06:00, 30/11/2019
Năm nào cũng vậy, Tết Nguyên đán đến luôn mang theo cơn “bão giá” khiến người người, nhà nhà vật vã bị cuốn theo. Nhưng biết làm sao bây giờ, cũng chỉ để “ngày 30 tết thịt treo trong nhà”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ Công Thương sát sao tình hình hàng hoá, thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá lên cao.
Vâng, nhân dân, người tiêu dùng không mong muốn gì hơn thế, để làm sao công sức làm lụng, chắt bóp 365 ngày không tan thành mây khói vì Tết. Vậy mà cứ hẹn lại lên. Có ai kìm được giá hàng hóa dịp Tết đâu!?
Thậm chí Tết là cơ hội để mọi thứ từ que tăm xỉa răng đến lon bia, chai nước lọc “xé giá cũ”. Người mua cứ mua, không mua thì thôi, kẻ bán cũng chẳng động lòng trắc ẩn. Tết mà!
Năm Kỷ Hợi sắp qua nhưng chuyện con lợn có lẽ còn nóng hổi lấn án cả năm con chuột. Tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội cuối năm ở tỉnh nọ, khi phóng viên đặt câu hỏi: Hiện trong dân còn bao nhiêu con lợn để phục vụ Tết? Liệu còn nguồn thịt nào an toàn để đáp ứng?
Không một ngành chức năng nào trả lời được! Cũng như vậy, số lượng thịt lợn, nguồn gốc sạch hay bẩn và giá cả của nó cứ may rủi hên xui với nhu cầu tăng phi mã dịp cận Tết.
Câu chuyện ở tỉnh nhỏ - mà nếu suy ra toàn ngành nông nghiệp cũng chẳng có gì oan ức. Quản lý như thế nào? Giải pháp bình ổn giá ra sao? Tìm nguồn cung ở đâu?...có lẽ là việc của các thương lái, doanh nghiệp hơn là nhiệm vụ thường trực của các cơ quan, tổ chức hưởng lương nhằm mục đích phục vụ!